Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh tăng cường xử lý vi phạm về môi trường

Bài, ảnh: Văn Thân (VPMN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh phát sinh trên 500 cơ sở gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững. Vì vậy, lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải ngăn chặm, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Đội 5 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện chi nhánh của Công ty TNHH xử lý môi trường Sông Xanh đốt rác thải công nghiệp ngoài bãi đất trống bên hông nhà xưởng. Đây là hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 1.500 thùng chất thải nguy hại bao gồm: thùng phuy, dụng cụ đựng dung môi, nhớt, xăng, dầu, hoá chất; khoảng 350kg hoá chất nguy hiểm, dễ cháy nổ, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà không có hồ sơ liên quan…
 Bãi rác tự sinh trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh
Từ năm 2007 đến nay, thống kê cho thấy phát sinh mới 464 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và 371 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch. Trong đó, có 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phần lớn trong số doanh nghiệp (DN) bị phát hiện và liệt kê vào danh sách gây ô nhiễm có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Cơ sở kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nên không có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
Nhiều cơ sở lựa chọn khu vực ngoại thành, còn thưa dân để xây dựng nhà máy. Việc cấp phép đầu tư cho các cơ sở này của quận huyện chưa được kiểm duyệt chặt chẽ. Kết quả là các cơ sở lại tiếp tục gây ô nhiễm cho quận huyện ngoại thành. Thực tế, những quận huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12 là những “điểm nóng” phát sinh hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Có thể kể đến như: khu vực phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và khu Vĩnh Lộc, quận Bình Tân. Nhiều DN vẫn đang tiếp tục hoạt động sản xuất những ngành nghề nhạy cảm với môi trường như dệt nhuộm, tái chế nylon, thổi ống nhựa PVC, bao bì…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, chất thải phát sinh từ 7 nguồn khác nhau như: Khu vực dân cư; khu vực thương mại; khu vực khách sạn và nhà nghỉ; khu vực công cộng; khu vực sản xuất; khu vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng là các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm đa khoa…
 Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy nhêu kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh
Quản lý môi trường là lĩnh vực mới trong công tác quản lý đô thị ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Trong đó, quản lý chất thải mới chỉ được quan tâm trong những năm gần đây. Với qui mô lớn thứ hai về diện tích, đông dân nhất và có tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang là nơi phát sinh chất thải lớn nhất và tiếp nhận từ các tỉnh lận cận.
Vì vậy, TP Hồ Chí Minh có khối lượng chất thải các loại: Chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải công nghiệp nguy hại, tái chế và xử lý… nhiều nhất của cả nước. Dù hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và vận chuyển, tái sử dụng và tái chế, xử lý trong thời gian qua đã đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững công nghiệp, kinh tế và xã hội, nhưng toàn bộ hệ thống đang hoạt động một cách thiếu kế hoạch lâu dài.
Bộ máy quản lý cũng chưa có định hướng rõ ràng, thiên về giải quyết sự vụ, chưa tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN hoạt động, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu là chôn lấp vệ sinh tiêu tốn đất đai, gây mùi và nước rỉ rác, thành phố chưa có các khu xử lý tập trung cho chất thải nguy hại, đặc biệt thiếu bãi chôn lấp an toàn (secure landfill)…
Ngoài ra, đánh giá tác động môi trường chiến lược cũng cần kinh phí khá lớn và thời gian thích hợp. Trong khi đó, các Khu liên hợp tái chế và xử lý chất thải tại TP Hồ Chí Minh đã được xác định rõ ràng về mặt vị trí, về môi trường sẽ nảy sinh và các biện pháp giảm thiểu sau khoảng 20 năm quản lý. Nhưng trước mắt, cần kiểm soát, hạn chế các trường hợp vi phạm về môi trường; thực hiện về quy hoạch định hướng một cách linh hoạt, mà vẫn đảm bảo các yếu tố “bất di bất dịch” như: bảo vệ môi trường, tái chế ở mức độ cao nhất, “phát thải cacbon thấp, tăng trưởng xanh”…
Trong cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố khẳng định: “ Các vi phạm liên quan đến môi trường là phải xử lý nghiêm. Vì, ô nhiễm môi trường sẽ giảm chất lượng sống đô thị, đi ngược lại với lợi ích chung; đồng thời gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững của địa phương”.