Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Thay thế công nghệ chôn lấp rác thải bằng đốt phát điện

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ không còn phân loại rác tại nguồn thành 3 loại như hiện nay, khi công nghệ chôn lấp rác thải thay bằng đốt phát điện.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại hội nghị "Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh: Hiện trạng và giải pháp", do UBND TP tổ chức chiều 3/12.
Việc phân loại rác ở TP sẽ được chia thành 2 loại, gồm loại có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, hiện TP đã có 2 nhà máy đốt phát điện, sắp tới sẽ có thêm 1 nhà máy được hoàn thành. "Công nghệ chôn lấp sắp bị "chôn lấp" luôn rồi, giờ phải hướng đến công nghệ đốt phát điện. Khi ứng dụng công nghệ này thì phải thay đổi phân loại rác tại nguồn còn 2 loại là rác tái chế, phần còn lại đem đốt", ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm phương án này để điều chỉnh lại. Khi nào hoàn chỉnh, UBND TP sẽ công bố và có kế hoạch cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 2 loại.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết: Đến tháng 9/2019, TP đã tổ chức, sắp xếp được trên 1.440 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đạt tỷ lệ 55,6%. Như vậy, toàn TP hiện có 42 hợp tác xã vệ sinh môi trường, 283 công ty tư nhân thu gom rác và hiện còn khoảng 1.152 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động thu gom rác trên địa bàn các quận.
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đến tháng 9/2019, TP đã có 227/1899 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã được chuyển đổi, đạt tỷ lệ 12%. TP đặt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2021 là 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác này; giai đoạn 2022 - 2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn thành phố. TP đã ban hành chính sách hỗ trợ cho vay 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm trong thời gian vay 7 năm.
Về chuyển đổi công nghệ xử lý rác, TP đã tổ chức khởi công 2 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện (Công ty CP Vietstar và Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa); đang hoàn tất quá trình phê duyệt đề án chuyển đổi của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam… với tổng công suất chuyển đổi là 6.000 tấn/ngày.
 Hiện nay, phương tiện thu gom rác chủ yếu tại TP vẫn là xe thô sơ không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2019, Công ty CP Tasco sẽ tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện công suất 500 tấn/ngày. Bên cạnh đó, TP đang hoàn thiện các bước để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án xử lý CTRSH  theo công nghệ đốt rác phát điện với công suất 2.000 tấn/ngày.
Trước đó, ngày 22/10/2018, UBND TP đã ban hành Quyết định số 38 quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, quy định lộ trình tăng giá tối đa đến năm 2022 thực hiện tính đúng, tính đủ đối với 3 công đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Ngày 11/6/2017, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về công tác bảo vệ môi trường khu dân cư và quản lý chẳt thải rắn trên địa bàn, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt đuợc xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.
Đồng thời, UBND TP đã ban hành các chính sách và văn bản pháp lý hướng dẫn thống nhất thực hiện trên toàn địa bàn thành phố từ quy định phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập; chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; hướng dẫn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH. Đặc biệt, UBND TP đã đặt chỉ tiêu đến cuối năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.
Cụ thể, ngày 14/11/2018, UBND TP đã ban hành Quyết định 44 quy định về phân loại CTRSH tại nguồn, trở thành địa phương đầu tiên ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Theo đó CTRSH sau phân loại được tổ chức thu gom riêng thành 2 loại: Chất thải hữu cơ sẽ tổ chức thu gom thứ 2, 4, 6, Chủ nhật và chất thải còn lại sẽ tổ chức thu gom thứ 3, 5, 7 trong tuần. Tuy nhiên, hiện nay, các quận, huyện mới chỉ triển khai phân loại CTRSH tại nguồn ở một số địa bàn khu phố, chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân là chính.
Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh thải ra hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó 60% lượng rác do đường dây thu gom rác dân lập phụ trách bằng 2.160 phương tiện với 4.000 công nhân thu gom rác chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư; 40% là hệ thống thu gom công lập, gồm Công ty Môi trường đô thị TP và 22 đơn vị là Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện, thu gom tại các chủ nguồn thải là các hộ dân mặt tiền đường, đơn vị kinh doanh, sản xuất…