Phân khúc nhà phát triển cực thịnh
Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, TP Hồ Chí Minh hiện đang đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm GDP của Việt Nam, với quy mô dân số hiện tại khoảng 8 triệu người. Dự kiến đến năm 2025 dân số tại TP này sẽ tăng lên khoảng 14 triệu người, thì mức đóp góp vào tổng sản phẩm GDP cho Việt Nam cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Tại TP Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở đang ở đỉnh cao của sự tăng trưởng, xuất phát từ nhu cầu nhà ở chất lượng tốt hơn, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu cùng với số lượng khách mua nước ngoài tăng. Các dự án mới có thể bán tối đa 30% số lượng căn cho người nước ngoài và tỷ lệ ngưỡng này thường nhanh chóng bán hết.
Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths cho biết, từ trước đến nay, chủ yếu nguồn cung của thị trường nằm ở phân khúc hạng C; thực trạng này dự kiến sẽ tiếp tục được ghi nhận trong nguồn cung được bàn giao và ra mắt thị trường trong tương lai. Người mua trong phân khúc này chủ yếu là người mua nhà có nhu cầu ở thực; ở Việt Nam thì thường đối tượng khách hàng này không chịu quá nhiều rủi ro từ việc vay mượn, vì vậy khả năng bong bóng bất động sản là khá thấp.
Tuy phân khúc căn hộ hạng C đã và đang thống lĩnh thị trường, nhưng giờ đây ngày càng có nhiều các dự án căn hộ hạng B và A mở bán – trong đó, một vài dự án được chào bán với giá cao đáng kinh ngạc. Những căn hộ hạng A có xu hướng nằm gần trung tâm thành phố và được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.”
“TP Hồ Chí Minh là thành phố cửa ngõ và là trung tâm thương mại, phản ảnh tốc độ tăng trưởng lên thị trường nhà ở sôi động. Thời điểm này là thời cơ chin muồi cho các dự án nhà ở, với xu hướng di dân vào thành phố mạnh mẽ và tỷ lệ đô thị hóa thấp, quy mô hộ gia đình tương đối cao và thực trạng thiếu sản phẩm nhà ở chất lượng. Đây là thời kỳ đầu tiên của lối sống tại căn hộ có mật độ dân số cao, từ đó tạo điều kiện cho các sản phẩm nhà ở giá phải chăng cho thị trường đại chúng” - ông Troy Griffiths nói.
Trung tâm bán lẻ quy mô lớn
Hoạt động bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã cho thấy sự ổn định trong những năm gần đây; nguồn cung tăng, nhưng số lượng diện tích cho thuê và giá thuê cũng tăng, ước tính tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ là khoảng 1.4 triệu m2 và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm 1/3 vào năm 2021.
Người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh thích các trung tâm mua sắm quy mô lớn và coi đó là điểm đến mua sắm và giải trí. Vì vậy, các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm đã cơ cấu lại danh sách khách thuê bằng cách thêm các khách thuê dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phòng gym. Những khách thuê này thường mong muốn thời gian thuê dài hơn với giá thuê thấp hơn nhưng mặt khác lại làm tăng số lượng người đến với trung tâm thương mại. Các khách thuê dịch vụ có xu hướng chiếm tỷ lệ lớn tại các trung tâm mua sắm mới.
Cho đến nay, thương mại điện tử mới chỉ là một phần nhỏ của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng điều này chắc chắn sẽ thay đổi: 1/3 người dân Việt Nam đang trong thế hệ Y( những người được sinh ra trong những năm 80, 90 và đầu năm 2000), doanh thu thương mại điện tử tính đến năm 2025 dự kiến sẽ tăng 40%.
Thị trường văn phòng TP Hồ Chí Minh cũng tăng trưởng ổn định trong vòng 5 năm qua với giá thuê tăng và diện tích cho thuê tăng, ngay cả trong bối cảnh nguồn cung tăng. Giá thuê văn phòng hạng A tiếp tục dẫn đầu thị trường, tăng 2% trong quý đầu tiên của năm nay và 13% kể từ đầu năm 2018.
“Trong 2 năm qua, mô hình không gian lam việc chung (co-working) đã phát triển mạnh mẽ tại TP Hồ Chí Minh, với tốc độ tăng trưởng hơn 90% mỗi năm và hiện có hơn 37.000 m2, phần lớn trong số đó (56%) nằm ở khu vực trung tâm. Các tên tuổi đáng chú ý trên thị trường này bao gồm WeWork, Up, Dreamplex, Regus, Compass và Kloud. Những công ty này thường là các khách thuê mỏ neo ở nhiều dự án văn phòng” - Ông Troy Griffiths cho biết thêm.