Theo đai diện Nhà Trắng ước tính, thỏa thuận này sẽ gỡ bỏ khoảng 18.000 loại thuế quan cho hàng hóa Mỹ, trong khi mở cánh cửa cho các sản phẩm từ tôm của Việt Nam tới bơ sữa của New Zealand tiếp cận những thị trường còn sơ khai ở khu vực Thái Bình Dương.
Hoàn thành tại cuộc họp các bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia ở Atlanta, Mỹ ngày 5/10, TPP đã kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài suốt 5 năm và 10 năm kể từ khi hình thành. Theo đó, 12 quốc gia tham gia ký kết bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên TPP sẽ đạt được những quyền lợi và đối mặt với những thách thức như thế nào, còn phụ thuộc vào “cơ địa” nền kinh tế mỗi nước.
Công nghiệp xe hơi Nhật Bản - người thắng cuộc lớn nhất
Các hãng xe hơi và linh kiện ô tô của Nhật Bản là những người thắng cuộc lớn nhất trong sân chơi này với việc được tiếp cận thị Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của xứ sở mặt trờ mọc với những hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, nước này chấp nhận phải miễn giảm nhiều chế tài bảo hộ trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Nhật Bản sẽ đưa ra mức thuế quan bằng 0 đối với lượng gạo nhập khẩu tương đương 1% tổng tiêu thụ gạo trong nước.
Các chủ trang trại gia súc nội địa sẽ gặp thách thức lớn khi thuế nhập khẩu thịt bò giảm mạnh từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm, trong khi thuế thịt lợn cũng lao dốc.
Việt Nam - quốc gia hưởng lợi nhiều nhất
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Cụ thể, theo Tổ chức Á - Âu (Eurasia Group), GDP của Việt Nam sẽ tăng 11% trong 10 năm tới, và kim ngạch xuất khẩu tăng 28% khi các công ty nội khối chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia nhân công rẻ.
Thuế nhập khẩu giảm xuống ở hai thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất hàng dệt may của Việt Nam. Với chi phí nhân công rẻ, Việt Nam đang thu hút được nhiều nhà máy dệt may chuyển từ Trung Quốc sang. Tuy vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với quy tắc nghặt nghèo hơn về nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu dệt may.
Công nghiệp thủy hải sản cũng được lợi do một loạt thuế nhập khẩu của các nước nội khối về các sản phẩm tôm, mực, cá hồi giảm xuống trung bình còn 6,4 – 7,2%. Việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dược phẩm từ mức trung bình khoảng 2,5% hiện nay sẽ gia tăng mức cạnh tranh giữa các công ty dược của Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên, TPP cũng sẽ tăng cường các chính sách bảo hộ bằng sáng chế, hạn chế sự tiếp cận của các công ty Việt Nam với các loại thuốc mới, cũng như khả năng của các công ty này trong việc sản xuất dược phẩm mới.
Australia "tiết kiệm tới 9 tỷ AUD tiền thuế/năm
Theo Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, TPP sẽ làm giảm 9 tỷ AUD thuế quan mỗi năm đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Australia sẽ giành quyền tiếp cận với thị trường đường của Mỹ. Nhật cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với đường và thịt bò của Australia.
Hải sản và nông sản vườn của Australia sẽ được áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn, trong khi hạn ngạch ưu đãi cũng được áp dụng đối với các sản phẩm hạt, ngũ cốc và gạo của nước này.
Australia và New Zealand đã gây sức ép thành công buộc Mỹ phải nhượng bộ về thời gian bảo hộ sinh dược, chỉ cho phép các công ty giữ độc quyền sinh được trong vòng 5 năm thay vì 12 năm như mong muốn của Mỹ. Thời hạn bảo hộ rút ngắn thể dẫn tới việc giá thuốc giảm xuống và mức độ cạnh tranh cao hơn.
Giảm thiểu thuế nhập khẩu với mọi sản phẩm từ sắt thép, dược phẩm, máy móc, giấy cho tới phụ tùng ô tô đều có lợi cho các nhà sản xuất Australia.
Nông sản New Zealand thắng lớn
Thuế quan hàng xuất khẩu của New Zealand sang các nước đối tác thuộc TPP được giảm tới 93% - tương đương 168 triệu USD, bộ trưởng Thương mại Tim Groser cho biết.
Nền công nghiệp bơ sữa, chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu, sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu NZD/năm từ việc dỡ bỏ thuế quan. Tuy vậy, một số thị trường then chốt như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico vẫn duy trì các hàng rào thuế. Ngoài ra, Canada chỉ chấp nhận nhập khẩu lượng sữa tương đương 3,3% lượng tiêu thụ trong nước trong vòng 5 năm tới.
Thuế quan của thịt bò New Zealand xuất sang các nước nội khối sẽ được bãi bỏ, trừ Nhật Bản, sau khi nước này giảm thuế đánh vào thịt bò nhập khẩu xuống 9% từ 38,5%. Thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu khác của New Zealand gồm hoa quả, hải sản, rượu vang và thịt cừu cũng được bãi bỏ.
Malaysia hưởng lợi nhờ dầu cọ, cao su
Các doanh nghiệp nhà nước Malaysia có thể gặp áp lực lớn từ TPP khi thỏa thuận này kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng đối với hoạt động chi tiêu của chính phủ.
Các nhà xuất khẩu điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và cao su nước này sẽ hưởng lợi lớn bởi Malaysia là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới và là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Trung Quốc - kẻ thua cuộc lớn nhất
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể là một trong những “kẻ thua cuộc” lớn nhất khi quyết định không tham gia TPP, khiến Tổng thống Obama thuận lợi hơn trên con đường hiện thực hóa chiến lược xoay trục sang châu Á. Tuy nhiên, sau những phản đối bước đầu, giới chức Trung Quốc giờ lại quay sang quan tâm tới khả năng tham dự TPP trong tương lai.
Các công ty xuất khẩu của Trung Quốc có thể để mất thị phần ở Mỹ và Nhật Bản vào tay các công ty đến từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chuyên gia kinh tế Fielding Chen của Bloomberg nhận định.