Theo đó, nhóm 6 cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã nhận các mức án thỏa đáng cho hành vi phạm tội. Tuy nhiên, từ đâu mà hành vi của nhóm cán bộ, bác sỹ này bị lộ tẩy? Hoạt động trục lợi diễn ra như thế nào và số tiền mà Ngân sách bị thất thoát là bao nhiêu sẽ được báo Kinh tế & Đô thị làm rõ trong bài viết này.
Bị lộ tẩy từ những đơn tố cáo
6 cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết T.Ư bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Lê Phong (SN 1958, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư; Mai Anh Tuấn (SN 1971), Nguyễn Quốc Việt (SN 1973) – cùng nguyên là Phó Phòng chỉ đạo tuyến; Vũ Minh Phúc (SN 1983), Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1988) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985) - cùng nguyên cán bộ Phòng chỉ đạo tuyến và kỹ thuật viên của Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ việc, phóng viên đã ghi nhận được những thông tin mấu chốt khiến vụ việc bị phanh phui và nhóm 6 cán bộ, bác sỹ trên bị sa lưới pháp luật. Theo đó, tháng 4/2012, Công an quận Dương Kinh (TP Hải Phòng) nhận được đơn của ông Hoàng Kim Ước – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư tố cáo hành vi tham nhũng của một số cán bộ Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong việc tổ chức tập huấn truyền thông cho cán bộ không hưởng lương về phòng chống bệnh lý tuyến giáp ở các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh năm 2010.
Qua tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định, ngày 15/6/2010, Bộ Y tế có Quyết định số 2107/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động bằng nguồn Ngân sách Nhà nước năm 2010 của Dự án phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, trong đó Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Nội tiết T.Ư kinh phí để chi công tác tập huấn, giám sát là 500 triệu đồng.
Trên cơ sở kinh phí được giao, ngày 22/6, Viện dinh dưỡng Quốc gia do bà Lê Thị Hợp làm Viện trưởng đã ký Hợp đồng số 198 với ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư về việc triển khai hoạt động của dự án với số kinh phí 500 triệu đồng được chuyển thẳng từ Bộ Y tế. Tiếp đó, ngày 17/11/2010, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã ký thêm phụ lục Hợp đồng số 198 để điều chỉnh một số nội dung hoạt động với các công việc như: Tập huấn bệnh lý tuyến giáp cho Hà Nội, Tập huấn về bệnh lý tuyến giáp cho cán bộ không hưởng lương tại cơ sở…
Bệnh viện Nội tiết T.Ư giao cho ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các lớp tập huấn. Phòng chỉ đạo tuyến giúp việc cho ông Quang trong việc lập kế hoạch tập huấn, lập dự trù kinh phí tổ chức các lớp tập huấn. Ngày 7/9/2010, Vũ Minh Phúc lập kế hoạch mở các lớp tập huấn bệnh lý tuyến giáp cho cán bộ không hưởng lương tuyến cơ sở tại Ninh Bình, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Kế hoạch này đã được ông Quang, ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng phòng tổ chức cán bộ và Lê Phong ký duyệt. Theo kế hoạch, các lớp tập huấn được được tổ chức hai ngày (tại Ninh Bình từ ngày 20/11 – 23/11/2010; tại Hải Phòng từ ngày 26/11 – 27/11/2010; tại TP Hồ Chí Minh từ 31/11 – 1/12/2010). Số lượng học viên là 60, tập huấn cho 10 xã/huyện/tỉnh.
Ngày 2/11/2010, Mai Anh Tuấn đã lập bản dự trù kinh phí kế hoạch tập huấn, thời gian, địa điểm, thành phần cán bộ giảng dạy, cán bộ phối hợp thực hiện và số lượng học viên như kế hoạch ngày 7/9 đã được duyệt. Cùng ngày, Lê Phong, bà Dương Thanh Mai – Phụ trách Phòng kế toán tài chính và ông Quang ký duyệt bản dự trù kinh phí cho 3 lớp tập huấn với tổng số tiền gần 270 triệu đồng. Ngày 15/11/2010, Bệnh viện Nội tiết T.Ư có Văn bản số 569/BVNTTW, gửi Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng và Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp tổ chức lớp tập huấn phòng chống bệnh lý tuyến giáp cho cán bộ không hưởng lương.
Còn đối với sai phạm của nhóm cán bộ này trong việc tổ chức các lớp tập huấn phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2011 bị lộ tẩy khi vào ngày 26/12/2013, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của ông Mai Tuấn Hưng – cán bộ Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, ngày 2/3/2011, Bộ Y tế có Quyết định số 586/QĐ-BYT về việc giao dự toán thu - chi Ngân sách Nhà nước năm 2011, trong đó Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Nội tiết T.Ư kinh phí chi cho công tác phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2011 là 10.726.000.000 đồng.
Ngày 23/11/2011, bà Dương Thị Bích Thắm – cán bộ Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư lập bản kế hoạch tập huấn về kiến thức phòng, chống bệnh đái tháo đường cho cán bộ không hưởng lương tuyến cơ sở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng… Kế hoạch này được ông Quang, ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc và Mai Anh Tuấn ký duyệt. Theo kế hoạch lớp tập huấn được tổ chức 3 ngày với số lượng học viên mỗi lớp là 47 người.
Ngày 1/12/2011, bà Thắm có bản dự trù chi tiết các lớp tập huấn nêu trên và đã được Giám đốc, Phụ trách Phòng kế toán và Phòng chỉ đạo tuyến phê duyệt với các nội dung: Thời gian tổ chức mỗi lớp là 2 ngày; tiền ăn, ngủ của các học viên là 450 ngàn đồng/người… Nguồn kinh phí thuộc dự án phòng chống đái tháo đường được chuyển thẳng từ Bộ Y tế với số tiền dự chi cho 7 lớp tập huấn này là hơn 423 triệu đồng.
Hầu tòa vì gian dối
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo và vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10/2010 – 12/2011, bị cáo Lê Phong cùng các đồng cấp là các bác sĩ và nhân viên dưới quyền đã có hành vi làm trái công vụ để trục lợi cho bản thân. Các bị cáo vốn được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn truyền thông của Dự án phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và phòng chống bệnh đái tháo đường ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng… cho đội ngũ y tế cơ sở.
Nhóm cán bộ, bác sĩ này đã khai khống một ngày tập huấn thành hai ngày, lập danh sách học viên nhận tiền ăn, ngủ nhưng lại để trống mục số tiền học viên được nhận. Sau đó, khi các học viên tham gia lớp tập huấn đã ký nhận đầy đủ thì nhóm này mới “bổ sung” số tiền vào danh sách.
Trong lần tập huấn tại Ninh Bình, bị cáo Lê Phong cùng đồng phạm là Vũ Minh Phúc có giấy đề nghị tạm ứng 47 triệu đồng của cơ quan để chi phí cho lớp tập huấn bệnh lý tuyến giáp. Ngay sau đó, Phúc kết nối với một nữ đối tượng người địa phương lập khống hợp đồng và thanh lý kèm theo trong việc thuê hội trường, khách sạn phục vụ lớp tập huấn. Trong đợt tập huấn này có 60 học viên tham gia và chỉ thực hiện trong vòng nửa ngày. Tuy nhiên, kết thúc lớp tập huấn, Phúc lại lập báo cáo lớp học kéo dài trong 3 ngày liên tục với các chi phí tính trên đầu học viên là 100.000 đồng tiền ăn/ngày; 250.000 đồng/phòng ngủ trong 2 ngày và tiền thuê hội trường, khánh tiết mất hơn 8 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền khai khống này được Lê Phong ký duyệt để trình lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết T.Ư quyết toán là hơn 56 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Phúc và Phong đã bỏ túi khoảng 35 triệu đồng. Quá trình điều tra, các học viên tham dự lớp tập huấn này đều khẳng định họ chỉ được tập huấn nửa ngày và không phải ai cũng nhận được 100.000 đồng tiền ăn/ngày.
Tương tự đợt tập huấn ở tỉnh Ninh Bình, ngày 30/11/2010, Mai Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ngọc Anh được cơ quan giao nhiệm vụ phối hợp với ngành chức năng cơ sở tổ chức lớp tập huấn về phòng chống thiếu iốt ở TP Hồ Chí Minh. Dù mượn được hội trường và không phải chi tiền ngủ cho học viên, nhưng cả hai vẫn lập khống chứng từ thanh toán. Thậm chí còn “ăn chặn” cả tiền bồi dưỡng của các học viên, vì thực tế lớp tập huấn chỉ diễn ra 1 ngày nhưng trong mục chi tiền cho những người tham gia lớp học lại được nâng lên thành 3 ngày và còn “đội” cả số lượng học viên. Việc làm đó khiến Ngân sách của Nhà nước bị mất hơn 45 triệu đồng.
Quá trình thực hiện lớp tập huấn ở TP Hồ Chí Minh, tuy không được giao nhiệm vụ nhưng Vũ Minh Phúc vẫn rất tích cực giúp đỡ đồng nghiệp trong việc thanh quyết toán chứng từ lập khống. Ngoài ra, một số lớp tập huấn ở các tỉnh như Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lâm Đồng không phải thuê hội trường mà sử dụng cơ sở vật chất của ngành tại địa phương, song lại được các bị cáo “vẽ” ra hợp đồng thanh lý và hoàn tất chứng từ quyết toán bằng các hóa đơn của khách sạn, nhà khách. Bằng thủ đoạn này, Lê Phong cùng đồng phạm đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 275 triệu đồng của Nhà nước.
Nhóm 6 bị cáo là cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết T.Ư tại phiên tòa ngày 11/11/2015.
|