Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trách nhiệm không chỉ của nhà trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề đạo đức học đường xuống cấp, dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, quan hệ thầy trò bị đảo lộn... lại được xới lên trong hội thảo "Giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường phổ thông Hà Nội" diễn ra cuối tuần qua (19/1) tại trường THPT Chu Văn An.

Chưa được chú trọng

Không riêng GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam tỏ thái độ bất bình với những biểu hiện xuống cấp của văn hóa học đường. Ây là những hành vi lệch lạc trong nhân cách đạo đức, như: Thiếu lễ độ với người lớn, tụ tập gây gổ đánh nhau, đe dọa hành hung thầy cô giáo. Ngoài ra, những hành động xâm phạm tình dục trẻ em, đánh đập trẻ em ở trường, thầy cô xúc phạm HS dưới nhiều hình thức…
 
Với kinh nghiệm lâu năm trong quản lý giáo dục, GS Phạm Minh Hạc nhận định: Phạm trù "văn hóa học đường" chưa được đưa vào phạm vi quản lý nhà trường, chưa có tiêu chí, chưa khảo sát, chưa đánh giá.

Trách nhiệm không chỉ của nhà trường - Ảnh 1
Giờ học chữ của học sinh trường Mầm non Mai Dịch.Ảnh: Ngọc Bích

Câu chuyện văn hóa học đường tại một trường tiểu học ở Tây Tạng (Trung Quốc) đã được không ít người trong nghề truyền tai nhau và đem ra làm ví dụ: Khi một đoàn đại biểu tới thăm và chia quà, bánh kẹo, các em lần lượt nhận quà, sau đó từng em mang suất quà của mình hai tay đưa cho cô giáo. Cuối giờ học, cô giáo chia kẹo cho HS ngồi bàn đầu. HS này đưa kẹo cho bạn ngồi sau, bạn ngồi sau lại đưa tiếp cho bạn ngồi sau nữa và tiếp tục đến bạn ngồi cuối cùng, rất trật tự, lễ phép.

Dù chỉ là một cử chỉ nhỏ, nhưng có thể thấy HS của họ được chú trọng rèn luyện ý thức từ khi còn nhỏ. Và đúng như GS Phạm Minh Hạc nói: "Văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp trong nhà trường, khắp nơi đều có vấn đề phải quan tâm. Trước hết là cấp quản lý, lãnh đạo các trường có chủ trương, triển khai đưa văn hóa ứng xử vào học, có kiểm tra đánh giá. Rồi đến đội ngũ nhà giáo chú ý giáo dục văn hóa đến từng người học, chú trọng đến hình thành và phát triển nhân cách văn hóa…".

"Nếp nhà" - nhân tố quan trọng

Đa số lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội đều khẳng định, giáo dục văn hóa học đường là việc làm cấp thiết trong lúc này. Ông Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Tiến Thịnh, cho biết: "Trường THPT Tiến Thịnh mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nắm bắt được vai trò quan trọng của văn hóa học đường, ngay từ đầu trường đã ý thức xây dựng kỷ cương, nền nếp, HS được tôn trọng, được rèn đức, rèn kỹ năng sống văn minh thanh lịch".

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, giáo dục hành vi văn hóa cho HS ở mỗi nhà trường là chưa đủ mà phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng hành vi văn hóa trong mỗi nhà trường, mỗi gia đình, để từ đó có được nền tảng vững chắc trong cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày ở HS, SV. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu cho rằng, vai trò của cha mẹ học sinh là vai trò đồng hành: "Để hình thành thói quen văn hóa, góp phần không nhỏ là "nếp nhà". Trường Nguyễn Siêu luôn coi trọng sự phối hợp giáo dục đạo đức giữa gia đình và nhà trường. 

Lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội đều nhất trí với việc đặt giáo dục văn hóa học đường ở vị trí quan trọng trong quá trình giáo dục HS, SV. Song, trách nhiệm không chỉ của riêng nhà trường, các cơ sở giáo dục mà phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của gia đình và xã hội. Đây được xem là một trong những giải pháp tối ưu để cải thiện tình trạng xuống cấp đạo đức, lệch lạc về lối sống và mờ nhạt lý tưởng sống trong một bộ phận HS, SV hiện nay.