Đã đến lúc đội ngũ báo chí phải nghiêm túc chỉnh lại thước ngắm về trách nhiệm, đạo đức nghề báo, phải “gạn đục, khơi trong” mới lấy lại được niềm tin, để định hướng và tạo đồng thuận trong xã hội. Trong buổi giao ban báo chí đầu năm 2017 sáng 7/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có những chỉ đạo sát sao về định hướng phát triển báo chí trong thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, mới thấy “cơ ngơi” của báo chí Việt Nam chưa bao giờ lại hùng hậu, phát triển mạnh mẽ đến thế. Có thể tự hào khẳng định rằng, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là dòng chảy chủ đạo. Tuy nhiên, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, thị trường, gần đây báo chí cũng mang không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách. Thách thức này càng lớn hơn trong thời đại công nghệ, khi mạng xã hội đang “lấn sân” một cách mạnh mẽ, khiến cho nhiều cây bút ít có thời gian “nâng lên, đặt xuống” từng câu chữ, mà phải ào ào chạy theo cái mới, cái “hot”, thậm chí thông tin sai sự thật. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lệch chuẩn”, nhiều ý kiến cho rằng: Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo, nhiều chủ quản thì lơ mơ, và trong sự giám sát không nghiêm túc thì có trách nhiệm của người đứng đầu.
Nguyên nhân đã rõ, vậy giải pháp như thế nào? Tại một cuộc hội thảo về trách nhiệm báo chí với xã hội, PGS.TS Vũ Duy Thông (nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư): Nếu tuyên truyền một chiều thì dân nghe đấy, cán bộ nghe đấy nhưng lòng không nghe. Vì vậy, ngay lúc này, trách nhiệm của báo chí là không chỉ thông tin mà còn định hướng thông tin. Điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng để nhà báo hoàn thành bổn phận của mình. Trước mỗi sự việc, các cơ quan chức năng nên kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, tránh để tình trạng các mạng xã hội đã đưa tràn ngập về vụ việc, trong khi báo chí chính thống lại rất dè dặt bởi chưa có “nguồn chuẩn”. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, quyết liệt như Bộ TT&TT đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí thời gian qua, cũng cần tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo. Mặt khác, hoàn thiện các bộ quy tắc đạo đức nghề báo của người làm báo Việt Nam theo hướng chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, các hội nhà báo, cơ quan báo chí xây dựng cho mình bộ quy tắc đạo đức nghề báo hoặc quy định về những việc được làm và khuyến cáo những việc không được làm, đề ra quy định khen thưởng và xử phạt, áp dụng một cách nghiêm khắc để răn đe, uốn nắn phóng viên.
Trong buổi giao ban báo chí đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã liên tưởng đến hình ảnh con gà để nhắn nhủ tới các nhà báo. Đó là gáy sáng báo hiệu ngày mới hừng đông, tương lai gắn với suy nghĩ hãy cổ vũ mạnh mẽ cho cái mới. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không nỗ lực thì dứt khoát không cải thiện được kinh tế. Nhưng nỗ lực rồi thì không thể không có trí tuệ, nhất định khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội, trong từng cá nhân. “Đổi mới rất khó, có những thứ lâu ngày chúng ta tưởng là tốt, là hợp lý nên khi có ý kiến nêu ra khác đi và thường ban đầu là thiểu số, là khác biệt, lạ lẫm thì chúng ta nên cổ vũ để tiếp động lực để nó tự kiểm nghiệm trong thực tế, không nên làm ngược lại, chỉ phê phán một chiều” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng: Đôi khi có những tờ báo biến mình thành công cụ PR Hôm tổng kết tôi có nói hạn chế tối đa việc bán sóng, bán kênh, bán măng sét. Vừa rồi người ta còn nói với tôi một ý nữa là bây giờ tinh vi lắm, còn bán trang, bán bài. Đôi khi có những tờ báo biến mình thành công cụ PR cho cá nhân, DN, sản phẩm. Do đó, người làm báo phải luôn luôn nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của những câu chữ mình viết ra, của những bài báo mình lựa chọn xuất bản và không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng của tác phẩm báo chí làm sao lay chuyển lòng người, tác động đến tâm tư tình cảm của con người, theo hướng cổ vũ việc tốt, khuyến cáo những sai trái cần tránh. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Phải chú tâm nâng niu cái tốt Người tốt việc tốt trong đất nước ta có rất nhiều nhưng rất tiếc là còn xuất hiện quá ít trên báo chí. Mong có nhiều người tốt việc tốt xuất hiện trên các trang báo, các chương trình phát thanh truyền hình, không có cái xấu nào bị bỏ qua, không để gương sáng nào bị lãng quên. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico: Báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội |