Với tên gọi khá hấp dẫn “Theo dấu chân Thánh tướng”, tour du lịch gắn với tên tuổi, địa danh và cuộc đời vị tướng tài Võ Nguyên Giáp được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào loạt tour du lịch Điện Biên Phủ đang được nhiều đơn vị lữ hành khai thác.
Đun bếp Hoàng Cầm, mặc áo trấn thủ…
Trong cuộc hội thảo về tour du lịch này diễn ra cuối tuần qua, TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe chia sẻ: “Chúng tôi sáng tạo và đề xuất tour này với mong muốn tư vấn giúp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng mô hình du lịch chiến tranh để thể hiện nhân sinh quan của người Việt Nam trong chiến tranh, những mất mát hy sinh cũng như khát khao hòa bình của chúng ta đối với thế giới”. Vì vậy, tour sẽ đưa du khách tiếp cận 3 điểm đến: Quảng Bình - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra; Điện Biên Phủ trên Đồi A1 - nơi diễn ra kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Điện Biên Phủ trên không - chứng tích chiến thắng B52 ở Khâm Thiên, hồ B52 và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
STDe chọn hồ Huẩy Phạ nằm ở giữa trung tâm TP Điện Biên Phủ để tổ chức 5 không gian của “Điện Biên Phủ trên Đồi A1”. Không gian đó đưa du khách trở về với Điện Biên Phủ năm 1954, được sống dưới hầm hào, ở lán, đun bếp Hoàng Cầm, ăn cơm vắt, mặc áo trấn thủ, đèo hàng bằng xe đạp thồ, được quan sát Đồi A1 từ những nòng pháo… để có thể hiểu rõ hơn về chiến tranh du kích và sức mạnh tinh thần đoàn kết của quân và dân Việt Nam.
Với “điểm đến” Điện Biên Phủ trên không, du khách sẽ được hiểu về trí tuệ quân sự Việt Nam khi tập lái máy bay trong phòng ảo, nhảy dù trong nhà, bắn hạ B52… Ý tưởng của những người làm tour là mong từ những trải nghiệm thú vị này, du khách sẽ hiểu hơn về nhân vật lịch sử đứng đằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Biến sản phẩm thành thương phẩm
Nhìn nhận về kịch bản tour “Theo dấu chân Thánh tướng”, đa số các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và văn hóa đều chung quan điểm: Ý tưởng hay, ấn tượng, sáng tạo, độc đáo. GS Phạm Khắc Hùng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu công trình biển bày tỏ: “Tôi rất trân trọng bản phác thảo. Ý tưởng mào đầu rất hợp lý, nhất là trong tình hình hiện nay, chúng ta có chung tiếng nói giữ chủ quyền biển đảo. Tour du lịch này nên hướng vào thế hệ trẻ”.
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra băn khoăn với cụm từ “Thánh tướng” dùng đặt tên cho tour du lịch. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thay vì “Thánh tướng” nên đặt tên gần với Nhân dân hơn, có thể là “Theo dấu chân Đại tướng huyền thoại”.
Và không phải ngẫu nhiên mà PGS Đặng Văn Bài đề xuất: “Nên biến sản phẩm du lịch này thành thương phẩm, để du khách biết mình được gì và muốn gì khi tham gia. Đồng bào dân tộc người Thái từng nuôi dưỡng Đại tướng sẽ cùng tham gia vào hoạt động tour và được hưởng lợi về tinh thần lẫn vật chất. Như thế chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tôn vinh Đại tướng huyền thoại cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam”.
Du khách tham quan hầm chỉ huy tướng Đờ Cát (Điện Biên Phủ). Ảnh : Hữu Nền
|