Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trái ngọt trên vùng bãi nổi

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, khu vực bãi nổi của xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín như được khoác trên mình một tấm áo mới, với những vườn cây khoe trái sum suê, ngút tầm mắt. Đây chính là thành quả của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

 Ông Nguyễn Văn Hồng xã Tự Nhiên đang thu hoạch cam canh tại gia đình.
Vào khu chuyển đổi của xã Tự Nhiên, chúng tôi như lạc vào chốn miệt vườn của miền đất phương Nam. Với đa dạng các loại cây ăn quả từ cam Canh, bưởi Diễn, chuối, quất... Đang nhanh tay thu hoạch vườn cam, ông Nguyễn Văn Hồng phấn khởi cho biết, gia đình ông canh tác ở khu vực này đã gần 20 năm nhưng năm nay là thắng lợi nhất. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng các loại cây dược liệu, đậu, ngô, rau màu, làm quần quật quanh năm nhưng thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm thì hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Với tổng diện tích vườn hơn 7ha, dự tính năm nay gia đình ông đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng. Ngoài niềm vui được mùa, ông Hồng còn vui mừng vì hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đã được đầu tư đồng bộ. Cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua, gia đình ông không còn phải canh cánh nỗi lo đem hàng đi bán như mọi năm.
Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên Nguyễn Quyết Thắng cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả. Cải tạo giao thông thủy lợi nội đồng kết hợp với việc thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi và khích lệ Nhân dân tập trung sản xuất đạt hiệu quả cao. Toàn bộ 5km đường giao thông nội đồng từ khu dân cư đến điểm sản xuất đã được cứng hóa 100%, đảm bảo công tác vận chuyển hàng hóa thuận lợi quanh năm. Xã có 1 cống tiêu thoát nước chính và 1 trạm bơm tiêu nước chủ động khi có úng lụt bơm nước vận hành. Diện tích đất nông nghiệp của xã được tưới tiêu chủ động đạt trên 90%. Bên cạnh đó, toàn xã có 11 trạm biến áp phục vụ điện sinh hoạt và sản xuất của người dân, riêng khu vực chuyển đổi xã đầu tư xây dựng riêng 1 trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất của bà con.
Nhờ những thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện cho vùng cây ăn quả chuyên canh khai thác hết tiềm năng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Với doanh thu trung bình 200 triệu đồng/ha/năm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp địa phương xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.