Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trầm cảm sau sinh: Căn bệnh “giết người” thầm lặng

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc mẹ bị trầm cảm giết chết con khi mới 33 ngày tuổi tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng.

Không chỉ tại Hà Nội, trên cả nước thời gian qua đã có nhiều trường hợp trẻ bị mẹ đẻ sát hại, lý do cũng chính vì người mẹ bị trầm cảm sau sinh.
Nhiều vụ việc đau lòng
Cách đây chưa lâu, tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, người mẹ trẻ sinh năm 1988 đã tước đi sinh mạng của đứa con 4 tháng tuổi. Theo người nhà của sản phụ, từ khi mang bầu, người mẹ đã có biểu hiện của bệnh trầm cảm như ít nói, có những hành động bất thường. Khi sinh con, mỗi lần bé quấy khóc, người mẹ đều bị kích động mạnh. Gia đình đã đưa chị đến khám và đang trong quá trình điều trị thì xảy ra vụ việc, chị đã đâm chết con trai lúc nửa đêm.

Người dân xem cảnh sát thực nghiệm hiện trường nơi xảy ra vụ án tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nguồn: Vietnamnet

Trước đó, ở Ba Vì (Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ án vô cùng thương tâm. Sau nhiều năm hiếm muộn, vợ chồng chị Chu Thị H. đã sinh được con trai. Nhưng sau sinh, chị H. có biểu hiện trầm cảm nặng, gia đình cũng đã tách hai mẹ con, hạn chế cho tiếp xúc. Nhưng nhân lúc sơ hở, chị H. đã lén bế con trai ra khỏi nhà và ra tay sát hại khi con mới được 5 tháng tuổi.  Hay tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã có trường hợp người mẹ giết cả hai con rồi tử tử, bé đầu tử vong, bé thứ hai và cả người mẹ được cứu thoát.
Vụ việc mới xảy ra hồi đầu năm 2017 tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, một phụ nữ cũng bị chứng trầm cảm sau sinh, người mẹ đã sát hại con trai và nhảy xuống giếng tự tử nhưng không chết.
Trên đây chỉ là vài trong số rất nhiều vụ việc mẹ bị trầm cảm, giết hại ngay chính đứa con rứt ruột của mình. Còn trường hợp bị trầm cảm sau sinh và có những hành động nguy hiểm đến sức khỏe thì xảy ra quá nhiều. Người thì hễ nghe thấy tiếng con khóc lập tức bị kích động vật vã, chửi bới, hét hò, người thì bỏ nhà đi lang thang, người thị bị ám thị, suốt ngày nguyền rủa người thân, nguyền rủa con cái. Có trường hợp bị trầm cảm nặng thì tìm đến cái chết: cắt tay, cắn lưỡi, nhảy xuống sông, xuống giếng…
Cần sự chia sẻ, động viên
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lý Trần Tình – Nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội cho rằng, chuyện người mẹ bị trầm cảm sát hại người thân, đặc biệt là con mình không phải là mới. Tại BV Tâm thần Hà Nội, đã từng có nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh đến khám và điều trị. Những năm gần đây xuất hiện nhiều, loại bệnh lý này có xu thế tăng lên.
Theo TS Lý Trần Tình, sau khi sinh, người phụ nữ  giảm đột ngột estrogen và progestrogen, hormones tuyến giáp gây ra cảm giác mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc, lo lắng, hoảng hốt, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung, mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Dấu hiệu để nhận biết trầm cảm sau sinh bao gồm: Người bệnh luôn có tâm trạng buồn bã, giảm hứng thú hoạt động, có cảm giác tội lỗi, mất ngủ, mệt mỏi, họ thường nghĩ đến cái chết và tự tử. Bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền, nếu trong gia đình bố, mẹ người bị trầm cảm thì nguy cơ người con mắc bệnh cao.
TS Lý Trần Tình cho biết thêm, trong giai đoạn mang bầu, nhất là khoảng thời gian 6 tuần đầu sau sinh, người phụ nữ dễ bị trầm cảm nhất. Nếu không được can thiệp kịp thời, trầm cảm có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và sẽ không thể tự hết. Nguy hiểm nhất của trầm cảm là cảm giác bị ám ảnh. Những trường hợp bị trầm cảm thậm chí còn nghĩ rằng mình là mối nguy hại của gia đình, hoặc đứa trẻ là mối nguy hại cần phải giết bỏ. Chính vì vậy, đã xảy ra khá nhiều vụ mẹ giết hại chính con đẻ của mình vì bệnh trầm cảm mà không được người thân phát hiện kịp thời để có biện pháp can thiệp.
Để người phụ nữ bớt bị trầm cảm, nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn mang bầu và nuôi con nhỏ, người chồng và người thân trong gia đình cần có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ, động viên người vợ. Với phụ nữ sau sinh nếu thấy mình có biểu hiện của rối loạn cảm xúc, cần phải thư giãn, nghỉ ngơi, tham gia các buổi sinh hoạt tập thể để giảm bớt căng thẳng, giúp tinh thần yêu đời, lạc quan hơn. Đối với người chồng, người thân trong gia đình, nếu thấy sản phụ có dấu hiệu bất thường về tâm lý, sau nỗ lực động viên, an ủi, chia sẻ bất thành, cần đưa đi khám chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao, nếu không được điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.