Trong cuộc đối đầu trực diện với không quân Mỹ, tuyến lửa phòng không của miền Bắc Việt Nam được chính đối thủ đánh giá là hiệu quả bậc nhất, bảo vệ thành công thành quả cách mạng ở miền Bắc, góp phần vào chiến thắng 30/4 thống nhất đất nước.
David chiến thắng Goliath
Trong quá trình đi đến ngày chiến thắng 30/4, Hà Nội đã hai lần trở thành chiến trường, đó là vào mùa Đông năm 1946, khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến và năm 1972, khi Hà Nội trở thành Điện Biên Phủ trên không. Chiến thắng của Hà Nội trong 12 ngày đêm năm 1972 đã trở thành lợi thế vô cùng to lớn đối với cuộc đàm phán Hiệp định Paris 1973, tạo tiền đề cho chiến thắng 30/4. Chiến thắng này được ví như chiến thắng của chàng David trước người khổng lồ Goliath.
Các tướng lĩnh quân đội Việt Nam đã đúc kết, cuộc chiến chống B52 được gói gọn trong 4 chữ “vạch nhiễu tìm thù”. Các lối gây nhiễu của máy bay Mỹ liên tục được nâng cấp, từ gây nhiễu thụ động, gây nhiễu chủ động, nhiễu ngoài đội hình, nhiễu trong đội hình… Mặc dù thời điểm đó, chúng ta được các chuyên gia Liên Xô (cũ) hỗ trợ về kỹ thuật nhưng ngay chính phía Liên Xô cũng chưa có kinh nghiệm tác chiến, chúng ta phải tự mình tìm cách đối phó với những kỹ thuật tác chiến hiện đại của không quân Mỹ.
Để bắn được B-52 là một khó khăn không khác gì phải lách qua “khe cửa hẹp”. Chỉ có một khoảnh khắc khi búp sóng nhiễu yếu nhất, dễ phát hiện máy bay địch. Với một đội quân thiếu thốn về phương tiện máy móc, kỹ thuật thì chỉ có một yếu tố có thể giúp không quân Việt Nam có thể chiến thắng. Đó là trí tuệ.
Bộ đội ta đã sáng tạo ra phương pháp bắn 3 điểm, mặc dù không nhìn thấy nhưng vẫn tiêu diệt được mục tiêu. Khi bị gây nhiễu xung trả lời hay gây nhiễu dải, có một nguyên tắc là ở đâu có nguồn nhiễu ở đó có máy bay. Vì vậy, dù không đo được cự ly tới mục tiêu, nhưng có thể dựa vào tham số góc phương vị và góc tà để xác định đường thẳng nối giữa đài điều khiển và mục tiêu, sau đó, điều khiển đạn bay theo đường này…
“Chạm vào lịch sử”
Với mong muốn giúp cho các thông tin lịch sử, quân sự về cuộc không chiến của ta trở nên sống động hơn, ê kíp chương trình Radar TV đã quyết định thực hiện loạt phim tài liệu về cuộc chiến trên không với 65% nội dung sử dụng hình ảnh đồ họa 3D
Trong bộ phim tài liệu Cuộc chiến vô hình, lần đầu tiên, các khí tài chiến đấu của quân đội Việt Nam được thể hiện bằng hình ảnh đồ họa 3D một cách rất sống động, hấp dẫn và khoa học. Khán giả có thể dễ dàng hình dung được hệ thống Tổ hợp tên lửa phòng không S75 của chúng ta thời điểm đó bao gồm có 6 đạn và bệ phóng, radar cảnh giới P-12, đài radar nhìn vòng, xe U chỉ huy, xe A tính toán, xe P, SNR-75 qua hình ảnh đồ họa 3D.
“Khi thực hiện bộ phim này, chúng tôi được truyền cảm hứng từ những con người là nhân chứng đã tham gia vào cuộc chiến, và có cảm giác chạm vào lịch sử” - anh Tuấn Linh, chủ nhiệm chương trình chia sẻ.
Trong 6 tập phim, các kỹ thuật viên cố gắng dựng lại chính xác về các yếu tố màu sắc, kích thước của các khí tài quân sự cả của ta và địch. “Ví dụ như vào thời kỳ chiến tranh leo thang 1966 - 1967, đạn thường được sơn ngụy trang bằng họa tiết rằn ri, còn gọi là ngụy trang “sâu róm”, các kỹ thuật viên phải vẽ thêm các chi tiết để đảm bảo trung thực với lịch sử” - anh Tuấn Linh cho biết.
Có một chi tiết làm cả ê kíp đau đầu, đó là tái hiện hình ảnh của máy bay EB-66 (được phát triển từ máy bay ném bom B-66) của phía quân đội Mỹ, bởi hình ảnh gần như không có. Bên cạnh đó, chiếc chiến đấu cơ này rất dễ nhầm lẫn với các loại máy bay gây nhiễu khác cũng được phát triển từ B-66. Thậm chí, một trang web của bảo tàng chiến tranh tại Mỹ đã chú thích nhầm loại máy bay này với B66 trong một bức ảnh về chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng, các kỹ thuật viên trong nhóm phải đối chiếu hình ảnh tìm được trên internet của chiếc EC-121 để “cắt gọt”, hoàn thành hình ảnh của chiếc EB-66 sát với thực tế nhất.
“Thời gian thực hiện đồ họa cho mỗi tập được giao là 10 ngày nhưng chúng tôi thường xuyên vượt khung” - một kỹ thuật viên trong ê kíp vui vẻ chia sẻ.
Mô phỏng hệ thống tên lửa phòng không S75 chiến đấu với B52.
|
Bộ phim “Cuộc chiến vô hình” được thực hiện từ tháng 9/2014, phỏng vấn hơn 30 chuyên gia, nhân chứng của cuộc chiến và được phát trên kênh QPVN từ ngày 28/4. |
Đồ họa mô phỏng tổ hợp S-75 phát hiện, bắt bám mục tiêu.
|