Bức ảnh có nhan đề “Truyền thống” (tác giả Trần Đinh Thương) được trao giải Đặc biệt cuộc Thi ảnh 2014 CGAP (Consultative Group to Assist the Poor), mô tả một phụ nữ vận chuyển nồi đất tại lò nung. Ban giám khảo đánh giá cao sự cân đối của bức ảnh và cho rằng tác giả đã bắt đúng khoảnh khắc.
Sáu tác giả khác từ Việt Nam cũng vào vòng chung kết sau khi vượt qua cuộc cạnh tranh từ con số kỷ lục 4.820 tác phẩm do các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư từ 95 nước gửi đến. Cuộc thi được tổ chức với mục đích giới thiệu các bức ảnh về chủ đề phổ cập tài chính trên thế giới.
Ban tổ chức cho biết, 15 trong số 30 tác phẩm đoạt giải thuộc khu vực Đông Á, trong đó có giải Nhất của tác giả Soh Yew Kiat (Malaysia) với bức ảnh “Bắt cá bằng chim cốc.”
Bức ảnh chụp một ngư phủ đánh cá bằng cách sử dụng chim cốc, một nghề đang mai một tại Trung Quốc, nơi nó đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Theo cách này người ta phải huấn luyện chim cốc để nó bắt cá.
Ban giám khảo chọn tác phẩm này để trao giải vì khả năng truyền tải thông điệp một cách nên thơ và truyền cảm.
“Bức ảnh đã ghi lại hình ảnh vượt thời gian và gắn hình ảnh đó với một vấn đề hiện đại. Bức ảnh ẩn chứa điều gì đó bí ẩn và trang phục của người đàn ông này khiến người ta liên tưởng đến bộ cánh của một con chim,” bà Meghan Dhaliwal, điều phối viên Dự án đa phương tiện thuộc Trung tâm báo chí về khủng hoảng Pulitzer nói.
Giải thưởng lớn năm 2014 là phiếu thưởng trị giá 2.000 USD dùng để mua thiết bị chụp ảnh. Ban giám khảo cũng trao giải Nhì, giải Ba và 27 giải khu vực, giải vòng chung kết và giải đặc biệt.
Ban giám khảo cuộc thi năm nay gồm: Indira Williams Babic, Quản lý cao cấp về tài nguyên ảnh của bảo tàng Newseum; Jeanette Ortiz-Osorio, Quản lý ảnh và tài nguyên số của Hội chữ thập đỏ: và Meghan Dhaliwal, điều phối viên Dự án đa phương tiện thuộc Trung tâm báo chí về khủng hoảng Pulitzer.
"Truyền thống," tác phẩm được giải Đặc biệt của tác giả Việt Nam. (Ảnh: CGAP)
|
Tác phẩm "Bắt cá bằng chim cốc" đoạt giải Nhất. (Ảnh: CGAP)
|
CGAP (Consultative Group to Assist the Poor – Nhóm Tư vấn Hỗ trợ Người nghèo) là cơ quan đối tác của 34 tổ chức hàng đầu hoạt động với mục đích thúc đẩy phổ cập tài chính. CGAP xây dựng những giải pháp sáng tạo thông qua nghiên cứu thực tế và tích cực tham gia với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, các nhà hoạch định chính sách và các nhà tài trợ nhằm nhân rộng các cách tiếp cận. Có trụ sở tại Ngân hàng Thế giới, CGAP áp dụng cách tiếp cận thực dụng trong phát triển thị trường một cách có trách nhiệm, với cơ chế vận động chính sách dựa trên bằng chứng nhằm đạt mục đích tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo để giúp họ cải thiện đời sống. Nhờ nghệ thuật nhiếp ảnh đầy sức thuyết phục, CGAP cho thấy các cách thức quản lý tình hình tài chính khác nhau của người nghèo. Cuộc triển lãm cũng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ tài chính chính thức đối với người dân nằm ở nhóm dưới cùng trong nền kinh tế. |