Hàng VIP giá bèo
Thời điểm này, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán sản phẩm bánh “Bánh Trung thu trứng muối tan chảy siêu ngon, siêu rẻ” xách tay từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông với giá bán khá rẻ, 70.000 - 100.000 đồng/hộp 6 bánh,
Tại các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Sendo... cũng nhan nhản lời rao bán sản phẩm bánh Trung thu ngoại nhập. Cụ thể, trên trang Shopee, nhiều cửa hàng quảng bá, rao bán “Bánh Trung thu ngàn lớp trứng muối chảy" LIU XIN SU chính hãng Đài Loan, thời hạn sử dụng 3 tháng, giá bán lẻ 105.000 đồng/hộp 6 chiếc, mua số lượng nhiều từ 20 - 50 hộp giá bán còn 90.000 đồng/hộp 6 chiếc, mua từ 100 - 500 hộp giá chỉ còn 65.000 đồng/hộp 6 chiếc, mua trên 500 hộp giá bán chỉ còn 60.000 đồng/hộp 6 chiếc. Tại một fanpage chuyên bán buôn đồ ăn vặt trên facebook, chủ hàng Liên Hòa rao bán bánh trứng tan chảy béo ngậy do Hồng Kông sản xuất với giá chỉ 90.000 đồng/kg 18 chiếc, tính ra chỉ 5.000 đồng/bánh Trung thu thượng hạng này.
Tương tự, nhiều cửa hàng, đại lý bánh kẹo tư nhân cũng nhập và rao bán bánh Trung thu nhập khẩu từ Đài Loan trọng lượng 40g/bánh nhân vị hoa quả, hạn sử dụng lên tới 4 tháng. Bánh được bán theo set 20 cái với giá khoảng 100.000 đồng, nếu mua 1 set bánh 55 - 60 cái, giá bán sẽ là 199.000 đồng, mua số lượng lớn được giảm 10 - 20%.
Thủ đoạn nhập lậu tinh vi
Từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục kiểm tra, thu giữ số lượng lớn các sản phẩm bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, ngày 26/8, Đội QLTT số 17 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ số 27 Trần Duy Hưng đã phát hiện 8.000 sản phẩm bánh Trung thu, bánh chuối, bánh phô mai... do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng tứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tiếp tục kiểm tra tại điểm tập kết hàng hóa ở phường Dương Nội, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 5.000 sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Trước đó, ngày 21/8, Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Minh Đức (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phát hiện 22.000 sản phẩm bánh Trung thu Trung Quốc nhập lậu.
Nói về bánh Trung thu nhập lậu, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, đây là những chiếc bánh “3 không”, bao gồm: Không rõ thành phần nguyên liệu, không ghi ngày sản xuất và không hạn sử dụng, nhập lậu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch Lào Cai để đưa vào nội địa tiêu thụ với giá siêu rẻ, từ 1.500 - 2.000 đồng/chiếc. Chia sẻ về thủ đoạn vận chuyển, tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu trót lọt, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, các đối tượng buôn lậu mặt hàng này thường xuyên thay đổi biển kiểm soát phương tiện vận chuyển, thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục. Về đến Hà Nội, các đối tượng lại phân chia, xé lẻ đưa hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm có định.
Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu bánh Trung thu kém chất lượng, Tổng cục QLTT đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Theo đó, QLTT các địa phương kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu. Cục QLTT Hà Nội cũng đã ra văn bản số 709/QLTTHN-NVTH yêu cầu các đội QLTT tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi vận chuyển kinh doanh bánh Trung thu giá rẻ, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP. Đặc biệt chú trọng phát hiện các trường hợp lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử để buôn bán kinh doanh mặt hàng này.
Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy, thủ đoạn chung mà các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ hàng lậu là rao bán trên mạng, khi khách đặt hàng mới gửi ship. Để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng nhỏ lẻ, trị giá chỉ vài chục triệu đồng nhưng việc nhập hàng diễn ra gần như đều đặn. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên |