Một số di sản được cộng đồng nuôi dưỡng phát huy hiệu quả, nhưng nhiều di sản đã bắt đầu gặp khó vì không “hái ra tiền” cho người dân.
Nếp xưa của lễ hội thành thị
Nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống của Hà Nội diễn ra ở các quận, huyện của Thủ đô nhưng vẫn giữ được “nếp xưa” truyền thống. Hội Gióng – Phù Đổng, Gia Lâm trải qua 10 thế kỷ. Đến nay, cho dù xã Phù Đổng đã đô thị hóa nhưng trước khi tổ chức hội Gióng vài tháng, làng trên, xóm dưới nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội, chiêu tìm ông Hiệu, cô Tướng, người tham gia đội Phù Giá, phường Ải Lao, ông Hổ… với sự cân nhắc cẩn trọng. Được dân làng và ban tổ chức lựa chọn làm nhân vật chính trong lễ hội, gia đình ông Hiệu, cô Tướng phải có đơn trình bày, có gia cảnh tốt, thân nhân tốt và hàng chục thậm chí hàng trăm người trong họ hàng được huy động phục vụ. Thời điểm được tổ chức là dịp đầu hè, thời tiết nắng nóng nhưng lễ hội Gióng vẫn thu hút hàng vạn người tham dự với sự nhiệt tình, hồ hởi của người dân. Họ tin và tự hào về những ván cờ do ông Hiệu đánh trong hội trận mang lại may mắn cho dân làng trong cả năm, tin vào nhân vật ông Hiệu mang lại vinh dự cho gia đình và dòng họ.
Tái hiện múa cổ “Con đĩ đánh bồng” ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tại lễ hội Xuân 2017. Ảnh: Phạm Hùng |
Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, chứng kiến người dân của phường Thạch Bàn (Long Biên) dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị cỗ bàn, dụng cụ cho nghi thức kéo co ngồi mới thấy di sản hàng trăm năm ăn sâu vào gốc rễ lối sống của người thành thị. Người con đất Thạch Bàn tản đi tứ xứ làm ăn, thế nhưng đến ngày 3 tháng 3 âm lịch, phường mở hội đền Trấn Vũ, họ lại nô nức về trẩy hội. Trong lễ hội đền Trấn Vũ, rất nhiều nghi thức truyền thống vẫn được giữ lại như: Đội nam tế thánh, đội nữ dâng hương. Những thanh niên dù làm nghề buôn bán ở khu chợ Long Biên, hay làm cán bộ Nhà nước… đến ngày hội cũng về đeo đai góp sức cho đội “Mạn đường”, “Mạn chợ”, “Mạn đìa” kéo co.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên là kéo co nghi lễ, khác với kéo co thông thường, kéo co thể thao. Ngày làng mở hội kéo co (ngày 3/3 âm lịch hàng năm) gắn với ngày sinh của đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Nghi thức kéo co ngồi ở Long Biên là kéo bằng dây, song dài hơn 40m luồn qua lỗ một cây cột gỗ được chôn chặt dưới đất. Trong nghi thức này, người dân gửi gắm niềm tin tâm linh với mong muốn mang lại may mắn cho cho cộng đồng làng xóm, nên nghi lễ dâng thánh, thắp hương không chỉ diễn ra nơi cửa đền, mà còn ngay tại mảnh đất chôn cọc kéo”. Vì lẽ đó, người dân tin vào tính thiêng của kéo co ở Thạch Bàn, chứ không đơn giản là như hoạt động thể thao quần chúng.
Các di sản khác như: Lễ hội thổi cơm thi ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; lễ hội kén rể ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh; điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; điệu múa Giảo Long ở làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên; hát trống quân ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ… đều được cộng đồng gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần có nhiều thay đổi, người ta được tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa nhưng với những gì thuộc về truyền thống luôn được người dân bảo tồn với thái độ trân trọng. Sự tồn tại bền vững của nhiều di sản ở Hà Nội đã chứng minh được điều đó.
Trai làng ngại múa
Với nhiều di sản quý, Hà Nội hỗ trợ tổ chức các lớp trao truyền cho người địa phương, đặc biệt chú trọng tới lớp trẻ. Những năm qua, các câu lạc bộ ca trù, hát trống quân, hát dô, chèo tàu, múa con đĩ đánh bồng… đã đào tạo, hun đúc đam mê cho rất nhiều người. Theo nghệ nhân Triệu Đình Hồng – làng Triều Khúc, đặc điểm của điệu múa “Con đĩ đánh bồng” là trong ngày hội, các thanh niên được tô son thoa phấn, chít khăn, mặc áo mớ ba mớ bảy, đưa mắt lúng liếng, nhảy múa, lắc lư uyển chuyển, nhịp nhàng để bà con tán thưởng. Cho dù lễ hội đã được địa phương quan tâm duy trì nhưng giờ trai làng đi làm ăn xa nhiều, người ở nhà cũng ngại tham gia, nên không dễ tìm nam múa dẻo, có gương mặt thần thái cho điệu con đĩ đánh bồng.
Hàng năm, ngành văn hóa Hà Nội tổ chức nhiều liên hoan nghệ thuật, tôn vinh những điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó là liên hoan ca trù, liên hoan chầu văn, liên hoan múa cổ, tôn vinh các nghệ nhân… Theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT: “Hà Nội có một kho tàng di sản, trách nhiệm giữ gìn bảo tồn cũng được đặt lên vai những người quản lý văn hóa. Cho dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhưng hàng năm, ngân sách TP vẫn chi hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử nhằm gìn giữ di sản cho muôn đời sau. Nhưng nguồn vốn của Nhà nước cũng không xuể bảo tồn hơn 7.000 vật thể và phi vật thể của Thủ đô”.