Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở mở rộng diện tích mạ khay, cấy máy

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định áp dụng mạ khay máy cấy giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó nổi bật là Quỹ Khuyến nông hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Đại là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư vào công đoạn dịch vụ mạ khay, cấy máy. Chia sẻ về quá trình gắn bó với chiếc máy cấy, anh Đại cho hay: “Chiếc máy cấy 6 hàng đầu tiên tự bỏ vốn ra mua với giá 150 triệu đồng. Máy thứ hai tôi vay Quỹ Khuyến nông TP được 350 triệu đồng. Máy thứ ba tôi được hỗ trợ theo mô hình khuyến nông 75 triệu đồng nên chỉ phải đối ứng 275 triệu đồng. Ngoài ra, khi mua hệ thống giàn gieo tự động và khay mạ, tôi còn được hỗ trợ thêm 71 triệu đồng nữa”.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Đại bên chiếc máy cấy được Quỹ Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ vay vốn. Ảnh: Bình Minh

Bắt tay vào vận hành, anh Đại còn được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Ứng Hòa thường xuyên hướng dẫn các kỹ thuật sử dụng, bảo dưỡng máy móc cũng như cách làm sao cho hiệu quả. Với hệ thống máy móc như vậy, hiện nay, trung bình mỗi vụ, anh Đại đang gieo cấy dịch vụ khoảng 60ha diện tích ruộng ở trong xã và các địa phương lân cận.

Theo anh Đại, hiện, hợp tác xã đang làm 2 gói dịch vụ, 250.000 đồng/sào đối với giống lúa thường và 260.000 đồng/sào đối với giống lúa chất lượng cao. So với công cấy tay không có giống đi kèm là 350.000 đồng/sào, thì với cấy máy người dân lợi hơn rất nhiều do tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể. Hơn thế, theo tính toán từ nhiều vụ, năng suất của lúa cấy máy cao hơn 10 - 15% so với cấy tay vì mật độ thưa, cây đẻ nhánh khỏe. Cũng nhờ ruộng đồng thông thoáng mà sâu bệnh gần như được kiểm soát tối đa, nông dân giảm được một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, theo anh Đại, nhược điểm duy nhất là cấy máy cần mặt ruộng phẳng, điều tiết nước phải cẩn thận kẻo nơi khô, nơi úng sẽ rất dễ bị ốc bươu vàng phá hoại vì cây mạ khay rất ngắn và non.

Điều khiến anh Đại băn khoăn là dịch vụ của hợp tác xã còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dù máy có thể cấy được một diện tích lớn nhưng khâu làm mạ lại không theo kịp. Nguyên nhân là do hiện nay hợp tác xã đang phải ủ mạ ở trong vườn nhà, còn khi rải mạ phải thuê thêm ruộng bên ngoài, rất bất tiện trong quá trình vận chuyển.

Do đó, để đáp ứng đủ nhu cầu của bà con, hợp tác xã cần một diện tích cố định khoảng 7.000m2 để rải mạ. Hợp tác xã đã kiến nghị với chính quyền địa phương để hỗ trợ, hy vọng sẽ sớm được bố trí trong vụ tới.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tỷ lệ gieo cấy lúa bằng mạ khay cấy máy của toàn TP vẫn đạt thấp, chưa đến 5%. Lý giải thực trạng này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phân tích, thời gian sử dụng máy ngắn, vụ Xuân khoảng 20 ngày, vụ Mùa khoảng 10 ngày nên đầu tư máy lâu thu hồi vốn. Trong khi quá trình thực hiện dịch vụ, việc vận chuyển máy cấy dễ dàng nhưng mạ kèm theo rất cồng kềnh, tốn kém, xe to không ra được tới ruộng, xe nhỏ phải chở nhiều chuyến nên phát sinh chi phí. Đây là những khó khăn, hạn chế cần được TP tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ để tạo động lực thu hút các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ mạ khay cấy máy.