Để học được nghề tạc tượng phải mất tới gần 1 năm, người chậm có thể 2 - 3 năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho giới trẻ không còn mặn mà với việc học nghề. Hơn nữa, việc dạy nghề trong làng mới chỉ dừng lại ở phương pháp truyền miệng, chưa có hệ thống văn bản, giáo trình bài bản. Trong khi đó, do cạnh tranh không lành mạnh, thời gian qua một số cơ sở đã làm những sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của làng nghề.
Nghề tạc tượng tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, mỗi năm toàn xã có khoảng gần 100 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Do đó, nguồn lực lao động trẻ tham gia học nghề tại địa phương không nhiều, chủ yếu là các lao động ở các xã khác như Kim Chung, Đức Giang hay Canh Nậu, Dị Nậu (Thạch Thất)... Để tìm nguồn thợ kế cận cho làng nghề, xã đã tổ chức mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên, trong đó năm 2012, xã tổ chức được hai lớp sơn son, tạc tượng cho 150 học viên.
Đặc biệt, xã khuyến khích các thanh niên trẻ sau khi học cao đẳng, đại học trở về ứng dụng tại làng nghề, điển hình như anh Phan Văn Sinh (1983) thôn Gạch. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Sinh đã về quê mở một xưởng tạc tượng riêng.
Anh cho biết, nhờ ứng dụng kiến thức mỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm có tỷ lệ cân đối và thanh thoát hơn nên khách hàng tìm đến ngày một nhiều. Doanh thu của xưởng đạt khoảng 800 triệu đồng/năm. Sinh cho biết thêm, anh vừa tham gia một lớp dạy nghề tạc tượng tại xã, trong đó phương pháp giảng dạy đã được cải tiến bằng hình thức cho học viên vẽ thô trên giấy, sau đó nặn bằng gốm rồi mới đến khâu đục đẽo trên gỗ.
Phương pháp này đã tạo được sự hứng thú cho học viên. Hy vọng đây sẽ là một hướng đi mới thu hút thanh niên trẻ gắn bó với nghề truyền thống độc đáo này.