Trăn trở về dạy làm người

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục đạo đức, lối sống, dạy làm người trong các nhà trường hiện nay dù đã được chú ý nhưng vẫn còn những bất cập. Một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội. Đó là những trăn trở của Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Hội nghị triển khai năm học 2019 – 2020 ngày 6/8.

 Ảnh minh họa
Thực tế hiện nay, vấn đề đạo đức, lối sống của học sinh trong trường học đang bộc lộ rõ nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Đó là tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm pháp luật như tham gia vào các tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an ninh hay đánh nhau, bỏ học… vẫn diễn ra rất phổ biến. Cùng với đó, hành vi nói tục, thiếu lễ độ với giáo viên và người lớn cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương như Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An... Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính trên phạm vi toàn quốc có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học trong một năm học, trung bình xảy ra khoảng 5 vụ/ngày. Dư luận hẳn còn nhớ vụ việc một học sinh đâm thầy giáo trọng thương ngay trước cổng trường THPT Trần Hưng Đạo, Hải Dương từng gây xôn xao hồi cuối năm ngoái. Nhiều người cho rằng đây là sự việc đau lòng của ngành giáo dục.
Không chỉ vậy, gần đây những vụ việc nghiêm trọng như giáo viên thông đồng nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhà giáo ngược đãi học sinh cũng gây bức xúc và lo lắng trong xã hội. Dạy làm người phải song hành với dạy kiến thức, đào tạo nghề. Thế nhưng, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở các nhà trường phổ thông vẫn thường khoán cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên Giáo dục công dân.
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, năm học 2019 – 2020 cần tạo ra chuyển biến căn bản đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Theo nhiều ý kiến, để làm được việc này, trước hết, Bộ GD&ĐT phải rà soát lại chương trình dạy đạo đức, lối sống trong các trường sư phạm. Các trường học phải đảm bảo đủ số giờ, nội dung để lồng ghép trong các môn văn hóa khác chứ không chỉ là môn Giáo dục công dân.
Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ có thầy cô nói suông mà học sinh phải được trải nghiệm sáng tạo, để học sinh, sinh viên được tiếp xúc với truyền thống văn hóa như tổ chức đi viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để học sinh thấu hiểu cuộc sống. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô phải là tấm gương đạo đức để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.
"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu được treo trang trọng ở nhiều ngôi trường và cũng là mục tiêu cao cả mà ngành giáo dục hướng tới. Nghĩa là câu chuyện "học để làm người" vẫn luôn mang tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay, như Bác Hồ đã từng nhắc nhở "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Nếu trường học cũng như các gia đình không quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, những câu chuyện nhức nhối liên quan tới đạo đức, lối sống của học sinh vẫn còn tái diễn.