Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở với tiềm năng phát triển du lịch Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong kế hoạch phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015, ước tính lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội năm 2014 đạt 3 triệu lượt - một con số khá khiêm tốn.

 Ngành du lịch Thủ đô đã đưa ra 15 nội dung chương trình, đề án nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động xúc tiến du lịch. Nội dung này rất phong phú, song còn nhiều vấn đề để bàn.
Khách du lịch nước ngoài mua đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.        Ảnh: Hải Linh
Khách du lịch nước ngoài mua đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Linh
 Đầu tiên, để có các nội dung, chương trình thiết thực cần có sự đánh giá tổng thể tiềm năng du lịch để biết TP có bao nhiêu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bao nhiêu bảo tàng, khách sạn phục vụ được khách quốc tế. Thậm chí, cần có chi tiết bao nhiêu đền, chùa, di tích đã có hướng dẫn viên chuyên nghiệp; bao nhiêu cơ sở chỉ hoạt động theo mùa vụ hoặc để khách tự viếng thăm. Cũng cần lên danh sách các di tích, bảo tàng có lượng khách quốc tế đến tham quan lớn; hiện có bao nhiêu (dù là tương đối) tour hút khách, tour ít khách... Rồi "giải mã" tại sao Hà Nội chưa có đơn vị nào tổ chức tour tham quan các điểm du lịch liên hoàn ở nội thành; hạ tầng phục vụ cho việc đưa đón khách quốc tế thế nào? Nghĩa là để có chương trình, nội dung thiết thực, cần đánh giá năng lực tổ chức du lịch của Thủ đô ra sao; Năng lực quản lý, hỗ trợ khách du lịch quốc tế và kiểm soát hoạt động của các cơ sở lữ hành, lưu trú thế nào. Tuy nhiên phải nói rằng, nếu thiếu đội ngũ tổ chức, quản lý du lịch chuyên nghiệp thì đồng thời cũng nói lên khả năng biến kế hoạch thành hiện thực là không được bao nhiêu.

Trong dự thảo kế hoạch của Sở VHTT&DL Hà Nội không thấy nói đến đề án "đưa khách du lịch tham quan quanh Hồ Gươm - phố cổ Hà Nội bằng xe điện". Như ông Đỗ Xuân Thuỷ - chủ của đơn vị xe điện chia sẻ: Đề án xin làm thí điểm 6 tháng năm 2010, đến nay hoạt động rất có hiệu quả. Năm 2013, chuyên chở gần 600.000 lượt khách, nhiều đoàn muốn đi thêm sang Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long mà không thể đáp ứng được. Một hoạt động du lịch khoa học, an toàn, mang tính nhân văn là vậy mà vẫn chưa được ủng hộ để phục vụ du lịch. Thực tế là sau khi hết thời gian thí điểm, không có văn bản nào cho phép loại hình này tiếp tục hoạt động.

Tương tự như vậy, Hà Nội cũng chưa có đánh giá tiềm năng ngay trong nội thành với "sự có mặt" của Hồ Tây. Thực tế, ít có Thủ đô nào trên thế giới có hồ nước lớn như vậy, mà xung quanh còn có hàng chục di tích có niên đại từ vài trăm năm đến hơn ngàn năm, bao quanh có 10% cây cổ thụ vào bậc nhất cả nước. Hạ tầng quanh Hồ Tây cơ bản đã rất thuận lợi để tổ chức du lịch bằng xe điện. Vậy nhưng, chủ xe điện xung quanh khu vực Hồ Tây cũng như hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ biết quanh quẩn trong khung thí điểm 6 tháng. Những "lá phổi xanh" đầy bản sắc như vậy tại sao không được đưa vào khai thác du lịch?

Qua tìm hiểu một số phòng VHTT các quận thì đa số cán bộ chỉ mới biết quản lý lễ hội, quản lý di tích. Còn quản lý, tổ chức du lịch - những nghiệp vụ như quản lý các hoạt động của các công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, hay việc phối hợp quản lý lưu trú, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng chèo kéo khách... hầu như chưa có gì. Trong khi chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ tổ chức xúc tiến chuyên nghiệp ngắn hạn, dài hạn trong lĩnh vực này lại không được nhắc đến.

Du lịch là một ngành kinh doanh dịch vụ tổng hợp, là ngành công nghiệp không khói. Nếu ai đó có dịp đi tham quan một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan... sẽ tự đánh giá tiềm năng của ta lớn đến mức nào, vượt trội đến chừng nào? Vậy mà sao ta vẫn chưa có được 10 triệu khách quốc tế/năm, trong khi lượng khách du lịch của nước họ gấp năm, gấp 7 lần ta?

Vậy là, muốn phát triển du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng, rất cần đột phá ở khâu xúc tiến du lịch với chương trình quảng cáo cụ thể, không chỉ dừng lại ở quảng bá. Chỉ có quảng cáo, tức là huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, ngoài ngân sách và tổ chức bộ máy khoa học, đào tạo đội ngũ cán bộ biết quản lý, tổ chức du lịch, kiểm soát không gian du lịch và sự phối hợp nhuần nhuyễn với các ngành, địa phương thì mới có thể có kết quả như các nước làm du lịch chuyên nghiệp ở xung quanh.