Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trang phục truyền thống: Nguy cơ bị mai một

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) đã khép lại, song những lời nhắc về bảo tồn bản sắc văn hóa lại được gióng lên.

Trong đó có một góc không nhỏ dành cho trang phục, một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của một dân tộc.

 “Báu vật” đang dần bị lãng quên

Những năm gần đây, quá trình giao lưu, hội nhập diễn ra mạnh mẽ, khiến không ít nét văn hóa độc đáo của các dân tộc đang có chiều hướng bị lai tạp, biến dạng với tốc độ đáng lo ngại, trong đó có tiếng nói và trang phục, phong tục tập quán… Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) Vi Hồng Nhân nhận định: "Do điều kiện khách quan, chủ quan của các tộc người và các vùng miền, trang phục các dân tộc thiểu số nói chung tuy có bộ phận được cải tiến nhất định, nhưng còn ít và chậm theo hướng thời trang; đang có xu hướng không được coi trọng trong đời sống hàng ngày; một bộ phận có nguy cơ bị lãng quên, mai một mất hẳn trong cuộc sống thời hiện đại. Một số tộc người ở một số địa phương đã nhiều năm người dân (kể cả chị em phụ nữ) không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, Tết, hội hè cũng không còn bóng dáng trang phục truyền thống, nhất là lớp trẻ".

 
Trình diễn các bộ trang phục dân tộc trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". Ảnh: Phạm Oanh
Trình diễn các bộ trang phục dân tộc trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". Ảnh: Phạm Oanh
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, những người làm văn hóa cho rằng, đó là do thị trường hàng hóa phát triển, nhiều yếu tố ngoại lai du nhập thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, thị hiếu thay đổi một cách thiếu định hướng, mà sâu xa là do nhận thức nặng về "mốt" theo thời trang của một bộ phận trong cộng đồng. Thêm vào đó, nghề dệt/nhuộm thủ công truyền thống không được chú ý hỗ trợ để sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, cải tiến mẫu mã và thông tin quảng cáo giới thiệu sản phẩm; từ đó dẫn đến tình trạng thích bắt chước thiếu chọn lựa…

Tạo môi trường cho trang phục dân tộc

Muốn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, trang phục truyền thống nói riêng, ông Vi Hồng Nhân cho rằng, biện pháp hữu hiệu và cần thiết hiện nay là ý thức tự tôn dân tộc của chính đồng bào các dân tộc: "Nếu mỗi đồng bào hàng ngày đều muốn mặc trang phục truyền thống, thì dù cho tác động bên ngoài có mạnh mẽ ra sao, họ cũng sẽ quyết giữ gìn nét đẹp trang phục của dân tộc mình. Còn khi đã ngán, không sớm thì muộn, họ sẽ cách điệu hoặc thay thế trang phục truyền thống bằng bộ áo mới". Tuy nhiên, theo ông Vi Hồng Nhân, để mọi người yêu quý hơn trang phục dân tộc mình, cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp cho họ. Đó có thể là những lễ hội truyền thống của từng cộng đồng, là những "Ngày văn hóa" của riêng từng dân tộc hoặc các dân tộc; là các hội mang tính xã hội nghề nghiệp với các câu lạc bộ thường xuyên giao lưu trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau… Bởi lẽ, đây chính là cơ hội để bà con các dân tộc được diện trang phục truyền thống và tự hào về điều đó.

Còn nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) Ngô Quang Hưng cho rằng, có nhiều cách để bảo tồn trang phục truyền thống như: Trưng bày trong bảo tàng, thư viện để công chúng trong và ngoài nước tiếp cận; Bảo tồn trong cuộc sống bằng cách kêu gọi đồng bào về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sinh sống. Việc làm này vừa có tác dụng bảo tồn không chỉ trang phục mà còn bảo tồn được các nét đẹp văn hóa khác như thói quen ăn, ở, lễ hội… của các đồng bào dân tộc thiểu số và thu lợi nhuận từ du lịch. Một giải pháp khác cũng được đưa ra là tổ chức các địa điểm, vùng du lịch văn hóa trọng điểm ở những nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để tăng thu nhập cho họ, từ đó nhân lên tính tự tôn dân tộc trong họ.

 
Quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khánh thành sáng 23/11 - đúng Ngày Di sản Việt Nam. Quần thể chùa Khmer được xây dựng trong khu đất khoảng 0,8ha theo nguyên mẫu của ngôi chùa K'Leang ở Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen. Các công trình được lợp bằng ngói vẩy cá và trang trí bằng các chi tiết hoa lá, các vị thần mang đậm tín ngưỡng của người Khmer. Quần thể chùa là điểm văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer tại Hà Nội và cũng là nơi gắn kết đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc khác.

(Thục Anh)