Tranh cãi về Dòng chảy Phương Bắc 2 phủ bóng thượng đỉnh EU-Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích cho rằng những tranh cãi liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga có thể sẽ là vấn đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine.

AFP ngày 12/10 đưa tin Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang trên đường tới Ukraine để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày thứ Ba (giờ châu Âu).
 Tranh cãi về Dòng chảy Phương Bắc 2 phủ bóng thượng đỉnh EU-Ukraine. Ảnh: Tass 
Theo các nhà phân tích, chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh EU-Ukraine sẽ bao gồm nhiều vấn đề, song cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu, tranh cãi liên quan đến tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga có thể sẽ được đặt lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra trong bối cảnh châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt khi giá mặt hàng này liên tục lập mức tăng kỷ lục và dự trữ khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người phản đối quyết liệt tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 khi cáo buộc dự án sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của EU vào Nga. Tổng thống Zelensky muốn đảm bảo rằng Ukraine sẽ vẫn là một quốc gia trung chuyển quan trọng, lo ngại việc vận hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ tước đi của Kiev 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) phí vận chuyển khí đốt hàng năm từ Nga.
Trong nhiều năm, Mỹ cũng phản đối quyết liệt việc xây dựng, khai trương dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy ngầm dưới biển Baltic và đấu nối trực tiếp với Đức, mở sang nhiều nước thuộc EU.
Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng Dòng chảy Phương Bắc 2là cần thiết đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu, thể hiện rõ nhất là trong tình cảnh thiếu hụt nhiên liệu iện nay.
Hiện dự án trị giá 11 tỷ USD này đã hoàn tất phần xây dựng, nhưng chưa đi vào vận hành bởi những trở ngại liên quan đến tranh cãi về bản chất của tuyến đường ống. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đang chờ được cơ quan quản lý Đức cấp phép, có thể tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức mà không đi qua Ukraine.
Một số người chỉ trích Nga đã cố tình hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu khiến giá khí đốt tăng cao nhằm gây áp lực đẩy nhanh việc cấp phép cho tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Tuần vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố đồng ý tăng sản lượng khí đốt cấp cho EU. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/10 khẳng định rằng ưu tiên của Nga không phải là đặt Ukraine “vào thế khó”, mà muốn khẳng định Moscow là một “đối tác tin cậy tuyệt đối” của châu Âu trên thị trường năng lượng.
Chuyên gia phân tích Leonid Litra tại New Europe Center, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kiev, cho rằng hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine sẽ diễn ra trong bầu không khí rất căng thẳng.
Ngay trước thềm thượng đỉnh EU-Ukraine, EU hôm 11/10 đã mở rộng danh sách đen các cá nhân liên quan đến việc Crimea thống nhất với Nga. Danh sách được bổ sung lần này bao gồm cả người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) ở Crimea và Sevastopol, Leonid Mikhailiuk.
Một quan chức châu Âu giấu tên cho biết tại cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày thứ Ba tuần này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ cố gắng trấn an Tổng thống Zelensky. Hai nhà lãnh đạo EU sẽ nhấn mạnh vào cam kết của châu Âu về việc đảm bảo vai trò của Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt.
Về phần mình, EU cũng đã nhiều lần kêu gọi Kiev cam kết nỗ lực hơn nữa trong tiến hành cải cách ở Ukraine.
Chuyên gia Leonid Litra nói rằng “có một sự căng thẳng và thái độ bất bình từ cả hai bên”, riêng Ukraine cảm thấy bị “phớt lờ”. Các nhà phân tích không kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine sắp tới sẽ đạt những bước tiến quan trọng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần