Theo đó, một trong những sửa đổi căn bản trong nội dung Bộ luật lần này được Ban soạn thảo đề xuất là giảm nhẹ hình phạt đối với hành vi che giấu, không tố giác tội phạm của những người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội). Hiện có rất nhiều tranh luận xung quanh quan điểm này. Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Thưa ông, trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Chính phủ trình UBTV Quốc hội đã nêu một nội dung quan trọng là vấn đề trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu tội phạm của những người thân trong gia đình của người phạm tội theo hướng không quy trách nhiệm hình sự. Ông đánh giá thế nào về sự điều chỉnh này?
- Theo tôi, việc điều chỉnh này phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Đó là đề cao quyền con người của công dân. Hiện nay, xu hướng xây dựng pháp luật của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới là phi hình sự hóa những hành vi không nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu xét trên cơ sở cân nhắc tính đặc thù của mối quan hệ gia đình cũng như tâm lý, truyền thống nhân đạo của nước ta là bảo vệ người thân thì điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ như đề xuất của Chính phủ trình UBTV Quốc hội là phù hợp.
Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng, việc xử nhẹ, không truy tố trách nhiệm hình sự với các hành vi này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan chức năng và làm giảm tính nghiêm khắc của pháp luật, thưa ông?
- Lập luận này chưa đủ cơ sở. Bởi trách nhiệm điều tra, truy nã tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ không phải là trách nhiệm của công dân. Trong trường hợp cần thiết, công dân có thể hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra. Vì vậy, quan điểm của tôi là nếu truy tố trách nhiệm hình sự với các hành vi không tố giác, che giấu tội phạm trong khi họ không tham gia trực tiếp vào hành vi phạm tội là có phần nặng tay.
Vậy ông có tính đến những hành vi che giấu tội phạm có tính cố ý tác động đến quá trình điều tra như tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết tội phạm, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra tội phạm không?
- Đúng vậy, trong thực tế có người vì mong muốn người thân của mình được giảm nhẹ tội mà có những hành vi ảnh hưởng đến quá trình điều tra như tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết… Vì vậy, nếu UBTV Quốc hội thông qua điều chỉnh này, Luật sẽ cần phải quy định rõ từng trường hợp, từng hành vi cụ thể chứ không thể quy định chung chung, “đánh đồng” tất cả các hành vi. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà Luật sẽ quy định mức xử phạt hợp lý.
Cụ thể, ông có gợi ý gì nếu UBTV Quốc hội thông qua điều chỉnh này?
- Theo tôi, chỉ nên quy trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu tội phạm trong một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; tội phạm về ma túy; tội phạm về chức vụ... Ngoài ra, với những hành vi che giấu tội phạm cố ý như tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết tội phạm, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra tội phạm thì không nên loại trừ trách nhiệm hình sự.
Xin cảm ơn ông!
Theo tôi, việc không quy trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của những người thân trong gia đình là hợp lý. Thứ nhất, về khía cạnh pháp lý, chúng ta đã có hệ thống truy nã tội phạm và lực lượng này có trách nhiệm truy bắt, áp giải tội phạm về chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu người dân có tinh thần tố giác tội phạm thì đó điều đáng hoan nghênh nhưng không nên áp đặt đó là trách nhiệm của người dân. Thứ hai, về khía cạnh tình, điều này cũng phù hợp với tâm lý, tình cảm đời sống phương Đông của nước ta là bao bọc, che chở cho người ruột thịt.
TS Đỗ Thị Phượng
Trưởng bộ môn Khoa học điều tra tội phạm và giám định tư pháp (Đại học Luật Hà Nội)
|
Nếu Quốc hội cho phép sửa điều này trong Bộ luật Hình sự thì sẽ phải điều chỉnh rất nhiều quy định xung quanh như quyền im lặng của công dân. Chúng ta cũng có quy định về trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ an toàn trật tự xã hội, nên nếu điều chỉnh việc không truy tố trách nhiệm hình sự cũng cần xem xét đến mối liên quan với trách nhiệm bảo vệ trật tự xã hội của công dân… Bên cạnh đó, nếu giới hạn phạm vi trách nhiệm đối với hành vi che giấu, không tố giác tội phạm trong một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Luật cũng cần quy định rõ, mức độ nghiêm trọng bao gồm những hành vi nào.
TS Ngô Dương
Viện Nhà nước và Pháp luật |