Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc miền núi của Thủ đô

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nguồn lực đầu tư rất lớn của TP Hà Nội, đến nay, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô đã có nhiều đổi thay tích cực. Giai đoạn tới, chăm lo cho công tác dân tộc vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội quan tâm.

Không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn
Năm 2013, lần đầu tiên một kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô được UBND TP ban hành. Trong giai đoạn 2013 - 2015, TP Hà Nội đã bố trí 837,5 tỷ đồng để thực hiện105 dự án cho 14 xã thuộc 5 huyện vùng dân tộc miền núi. 
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI về các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân tộc, ngày 15/7/2016 của UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020.
Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc miền núi của Thủ đô - Ảnh 1
Nhà văn hoá thôn Liên Bu, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Trọng Tùng.
Căn cứ đề xuất của UBND TP, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, phê duyệt kinh phí đầu tư cho 69 dự án theo Kế hoạch số 138/KH-UBND với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng.
Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, 5 năm qua, dù ngân sách đầu tư công của TP còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Hà Nội vẫn quan tâm, bố trí 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc miền núi. Các địa phương được thụ hưởng cũng đã nỗ lực thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch vốn được TP giao, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhờ nguồn lực đầu tư lớn của TP Hà Nội, hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô không ngừng được cải thiện. Hiện, đã có 13/14 xã vùng dân tộc miền núi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội không còn thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. 
Hơn 2.100 tỷ đồng phát triển vùng dân tộc miền núi
Để tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, căn cứ  Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, UBND TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.
Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc miền núi của Thủ đô - Ảnh 2
Diện mạo vùng dân tộc miền núi của Thủ đô đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn của TP. Ảnh: Diệu Thu.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 2.144 tỷ đồng thực hiện 9 nội dung thành phần. Trong đó có nội dung quan trọng về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch...
Nhấn mạnh công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng dân tộc miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các xã, thôn còn nhiều khó khăn.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch, điện, thông tin truyền thông. Chú trọng các dự án phát triển sản xuất, bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...
“Việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi cần đảm bảo theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư đồng bộ và đúng đối tượng, tránh dàn trải nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn; tuyệt đối tránh lãng phí, thất thoát nguồn vốn trong quá trình triển khai thực hiện…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. 

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người dân vùng DTTS và miền núi của Thủ đô cơ bản bằng khu vực nông thôn ngoại thành. Toàn vùng không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP. Đồng thời, 100% xã vùng dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% tổng số xã về đích nông thôn mới nâng cao…