Tranh luận sôi nổi về chiến lược quy hoạch cảng hàng không

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo Góp ý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050”, diễn ra tại Hà Nội ngày 3/3 có những tranh luận xung quanh vấn đề nóng này.

 Nhiều địa phương ồ ạt xin xây sân bay trong thời gian qua
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức đúng vào thời điểm các địa phương ồ ạt xin xây sân bay nên nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.

Hạ tầng hàng không còn nhiều hạn chế

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020.
Đây cũng là một trong số 5 quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển CHK, sân bay toàn quốc sẽ phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT, phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Người đứng đầu VUSTA cũng khẳng định quan điểm, quy hoạch phát triển hệ thống CHK sân bay toàn quốc cần dựa trên rất nhiều yếu tố như xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, xác định quy mô, mạng đường bay khai thác của hệ thống CHK, sân bay; xác định quy hoạch phát triển đối với từng CHK, sân bay, khả năng trung chuyển.
Đồng thời, quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế xác hội (KTXH) mà còn phải tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay nước ta có 22 CHK trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 nội địa. Dự báo hàng không sẽ còn tiết tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Theo dự báo, giai đoạn 2020-2030 tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 7,5 - 8,5%/năm. Năm 2031 - 2050, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 4,2 - 5%, vận tải hàng hóa 4,7 - 5,7%/năm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc hội thảo.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác là hiện chưa có CHK đầu mối lớn mang tầm khu vực thế giới, một số CHK khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp, công suất các cảng cần được cân đối cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc hàng không tăng trưởng mạnh trong tương lai đòi hỏi quy hoạch phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc cũng cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ để phù hợp với tình hình hiện tại và sự phát triển trong tương lai.
“Tài nguyên gồm cả không gian đất đai và bầu trời của ta có hạn, chi phí đầu tư 1 CHK rất lớn nhưng để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, phát triển kinh tế vùng, kinh tế đất nước, chúng ta phải lập quy hoạch phát triển hệ thống CHK, sân bay, phải xác định các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 hay giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030, cơ chế nào để thu hút được nguồn lực thực hiện được mục tiêu này” – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định.

Nhiều nội dung trong bản quy hoạch chưa đạt

Trong phần đóng góp ý kiến phản biện, các chuyên gia hàng không, nhà khoa học tham gia hội thảo đã có những tranh luận rất sôi nổi. TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần nhu cầu phát triển hàng không chung sẽ rất lớn nên quy hoạch phải xây dựng được một lộ trình  xây dựng hệ thống sân bay chưa toàn diện. Đây là điều bản quy hoạch hiện tại chưa làm được.
TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch CHK,sân bay phải có quy hoạch 2 hệ thống con là Dân sự và Quân sự, sau đó tích hợp lại để làm rõ 2 hệ thống này và việc dùng chung các CHK, sân bay. Trên cơ sở này, Nhà nước thống nhất quản lý cả 2 hệ thống con và quy định chặt chẽ việc phối hợp giữa Quân sự và Dân sự trong hoạt động. Có như thế, Nhà nước mới thống nhất quản lý sử dụng vùng trời và mặt đất thống nhất để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh tế và an ninh quốc phòng.

Hồ sơ quy hoạch CHK, sân bay thiếu phần phân tích tính toán định lượng yếu tố kinh tế và chính trị xã hội đối với các CHK, phần dự báo nhu cầu vận tải trình bày còn sơ sài, chưa có phần đánh giá và phân tích ưu nhược điểm của các lần quy hoạch trước đây, đặc biệt là nội dung đã từng được Thủ tướng phê duyệt. “Nhiều nội dung đã từng nghiên cứu, tính toán cho đến năm 2030 đến nay vẫn còn đúng và sử dụng được thì ta cần tôn trọng và tiếp thu.

Chuyên gia Hàng không, PGS TS Nguyễn Huy Đồng

TS Trần Quang Châu cũng cho rằng, nếu không tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thì không thể có hoạt động hàng không chung. Điều này sẽ gây ra hệ quả là quỹ đất dành cho sự phát triển hệ thống sân bay sẽ rất hạn chế và bị động để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong tương lai gần.
Việt Nam đang thiếu những sân bay tầm cỡ quốc tế như CHKQT Long Thành.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại quan tâm đến vấn đề huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng sân bay. Chuyên gia kinh tế này lấy ví dụ từ việc sân bay Vân Đồn được đầu tư bởi tư nhân để đăt ra vấn đề về việc động vốn, huy động các thành phần kinh tế để xây dựng cần được đặt ra một cách tường minh. PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng, việc huy động các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cần phải được xem là một chủ trương và giải pháp.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Kim Chung còn đặt ra vấn đề kết nối hạ tầng các loại hình giao thông trong quy hoạch phát triển CHK, sân bay. Bởi đây cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể. “Quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác. Và các quy hoạch khác cũng cần được làm đầu vào cho quy hoạch cảng hàng không, sân bay” – PGS. TS Trần Kim Chung nhận định.

“Các giải pháp về cơ chế chính sách hàng không là chưa toàn diện và chưa đủ tầm. Theo tôi, cần kiến nghị Quốc hội sớm cho sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật Hàng không Dân dụng Việt Nam. Trong đó ưu tiên về hoạt động hàng không chung; Huy động vốn từ nhiều nguồn cho phát triển ngành HKDDVN; Vấn đề cổ phần hóa các CHK, sân bay; Quy chế phối hợp giữa Quân sự và Dân sự trong hoạt động hàng không ở mặt đất và trên không; Hợp tác rộng rãi trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không Việt Nam".

Chuyên gia Hàng không, TS Trần Quang Châu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần