Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh luận về cách tiếp cận Dự Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hầu hết ý kiến đại biểu đều đồng tình cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về cách tiếp cận quy định của luật vẫn được đưa ra.

ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam).
Tên luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất
Theo ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật cần tập trung vào những vấn đề đó là nền tảng cho khuôn khổ chính sách, Dự thảo luật cần tập trung vào phạm vi điều chỉnh việc lạm dụng đồ uống có cồn. Giáo dục là cách tốt nhất để thay đổi hành vi người uống, ngăn chặn lạm dụng đồ uống có cồn, điều này có thể được hỗ trợ bằng quy định về giáo dục, về truyền thông và những biện pháp bảo vệ nhất định. Những trọng điểm này cũng được cụ thể hóa trong một số điều khoản trong dự thảo luật. Do vậy, để đảm bảo tính nhất quán, phù hợp với chính sách của quốc gia thì tên và phạm vi của dự luật nên tập trung vào tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn, lạm dụng rượu, bia, đối tượng cần tập trung điều chỉnh và hướng đến là những người chưa đủ 18 tuổi.
“Luật không nên giảm nhu cầu về đồ uống có cồn nói chung vì nó sẽ ảnh hưởng đến những người uống có trách nhiệm và việc kinh doanh hợp pháp, chân chính”- ĐB góp ý. ĐB đề nghị đổi tên luật thành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia hoặc Luật Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn, hiện nay trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo ĐB, rượu và bia là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, từ quy trình sản xuất, nồng độ cồn đến tác hại của việc lạm dụng lên hành lang pháp hiện hành áp dụng cho 2 loại sản phẩm này, từ khâu sản xuất kinh doanh tiêu dùng và quản lý nhà nước cũng hoàn toàn khác nhau. Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn bia thì không. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tách riêng các quy định của pháp luật, điều chỉnh đối với 2 loại sản phẩm này cho phù hợp gồm các điều khoản quy định riêng điều chỉnh từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý về nước và cả những nội dung hạn chế nghiêm cấm... của rượu và bia thành 2 điều khoản tách biệt thì phù hợp hơn.
ĐB Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đồng tình với nhiều nội dung của Dự thảo luật và cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có các biện pháp và chế tài mạnh mẽ hơn, bổ sung vào Dự thảo luật nhằm kiểm soát việc sản xuất rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia quá mức, thiếu văn hóa mà hậu quả không những ảnh hưởng đến sản xuất, tính mạng của bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, theo ĐB, nếu tên gọi của luật là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chẳng khác nào khẳng định rượu và bia là hoàn toàn có hại. Từ đó có thể gây ra hiểu nhầm không đáng có. Trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
“Nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta nghĩ gì, trong những ngày giỗ tết với tấm lòng thành kính trời đất, tổ tiên, với người thân đã mất, tiễn năm cũ đón một năm mới với truyền thống văn hóa nghìn đời, mọi gia đình của dân tộc Việt Nam đều có bát cơm thơm, chén rượu cúng trên bàn thờ tổ tiên lúc giao thừa. Chúng ta nghĩ gì với truyền thống hiếu khách khi khách đến nhà, gia chủ làm cơm mời khách với chén rượu nhạt. Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm nước ta các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cầm ly rượu vang để tiếp khách quốc tế. Chúng ta nghĩ gì khi miền Bắc những năm đầu của giai đoạn kiến thiết đất nước, ngày mùng 1 Tết năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ kính yêu đến thăm nhà máy rượu Hà Nội”- ĐB dẫn ra.
Theo ĐB, đối tượng chịu tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu họ có ý thức thì người sản xuất sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng. Do vậy, tên luật cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm là không có hại.
“Rượu nhạt uống nhiều cũng say”
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Dự án luật không phải là cấm rượu bia mà chỉ là phòng tác hại của rượu, bia thôi. Như vậy, rõ ràng ta không phòng tác dụng có lợi mà ta chỉ phòng tác dụng có hại, những việc chúng ta đang làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân, gia đình, xã hội...
“Tôi cũng tranh luận lại vấn đề liên quan đến từ "lạm dụng". Các anh chị lên mạng, vào Google, các anh chị đánh "lạm dụng rượu là gì", ngay lập tức có một loạt trang báo, trong đó có các tổ chức thế giới nói rằng lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống có nguy hại cho sức khỏe; Thứ hai, uống quá độ; Thứ ba, nghiện rượu. Đây là 3 mức độ của lạm dụng rượu, như vậy, rõ ràng ngay mức độ đầu tiên nhẹ nhất đó là uống rượu thường xuyên có mức nguy hại, nguy cơ gây đến hậu quả tai hại về thể chất, tâm thần và xã hội. Như vậy, phải chờ đến uống thường xuyên, ảnh hưởng đến tâm thần, xã hội, bản thân rồi mới phòng thì lúc đó quá muộn. Dù có đội phòng cháy, chữa cháy rất tốt nhưng khi cháy nhà rồi thì ít nhiều tài sản đã nguy hại, phòng cháy thì chắc chắn tốt hơn chữa cháy”- ĐB nói.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội)
Theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn, rượu là rượu và bia là bia - đó là bài thơ rất hay. Nhưng uống rượu hay uống bia đều là uống cồn vào cơ thể chúng ta, mức độ độc hại cho cơ thể, tâm thần, sức khỏe, đó chính là nồng độ cồn Methanol ở trong cơ thể cho dù nguồn cung cấp là bia hay rượu. Chính vì thế, nếu uống ở mức độ vừa phải thì tốt, nhưng khi uống qua nhiều nồng độ cồn gây hại đến hệ thần kinh, tim, hệ tiêu hóa thì đây chính là tác hại liên quan đến rượu, bia. Do vậy, dù là rượu hay bia thì khi tham gia giao thông chúng ta thổi mà có cồn, công an đều phạt không quan tâm anh uống bia hay uống rượu.
ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm: “Nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu, bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu, lại luôn đẩy xếp hạng Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và thế giới”. Dẫn ra những quảng cáo bia, rượu làm cho người nghe nhầm tưởng sự hấp dẫn đến từ một loại thuốc bổ hay thần dược nào đó, ĐB cũng đề cập đến thực tế các vụ thảm án, tai nạn giao thông, bi kịch gia đình, các vụ bạo hành, vợ mất chồng, con mất cha cũng vì từ bia, rượu mà ra.
“Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu, bia. Do đó, tôi đồng ý cao với sự cần thiết ban hành luật và tên gọi ở phương án một, đặc biệt là những chế định chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa việc quảng cáo bia, rượu. Phải trả nó về đúng với bản chất nguy hại vốn luôn trực chờ và khi hưng phấn cố tình vượt lời dăn giữa lợi và hại thì nó sẽ lấy dần, lấy mòn tâm sức hoặc lấy đi mãi mãi những người thân yêu của chúng ta”- ĐB nêu.
Theo ĐB, việc quảng cáo bia, rượu phải bị cấm trong tất cả các chương trình trên báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh dành cho thiếu nhi như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11.
ĐB mong Dự Luật cần được xây dựng một cách chặt chẽ, không có những cài cắm lợi ích qua việc cố tình đánh tráo khái niệm bởi những tổn thất và tác hại của bia rượu lên xã hội là quá lớn so với lợi ích nó mang lại. Đã đến lúc phải hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại này, đưa đất nước ra khỏi những vị trí không mấy tốt đẹp, dù là hàng đầu khu vực hay thế giới.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cũng nhất trí phải có luật và nên có sớm vì tác hại của rượu gây ra ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng. Phải có quy định nghiêm khắc hơn, trong luật có một số điều nhưng thực ra chưa nghiêm khắc. Ví dụ, Điều 5 về các hành vi bị cấm, tại khoản 4 ghi "Cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia". “Tôi đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu, bia. Không cứ gì là dưới 18 tuổi cả, tôi đã từng chứng kiến trong những cuộc vui như thế họ kích động nhau, tưởng là vui nhưng bản chất là kích động, rất ảnh hưởng”- ĐB nói.
Về quảng cáo rượu, bia, theo ĐB, rượu, bia cũng là một loại hàng hóa phải được quảng cáo nhưng có hạn chế về nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình. Có một điều rất quan trọng là không cần giới hạn độ cồn trong quảng cáo. Vì có câu "Rượu nhạt uống lắm cũng say".