Mặc dù doanh nghiệp phải chi thêm một số khoản đầu tư cho việc phát triển sản phẩm, mở showroom, quảng bá, chăm sóc khách hàng nhưng bù lại, nhiều đơn hàng trong nước cũng không hề thua kém xuất khẩu, nhất là cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, resort...
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp quyết định tổ chức tuần trưng bày sản phẩm chuyên đề "tranh thủ công mỹ nghệ", diễn ra từ ngày 14 - 20/12/2011, tại 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay. Tuần trưng bày chuyên đề có sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tranh thủ công mỹ nghệ thuộc các nhóm sản phẩm: tranh đá quý, tranh gốm sứ, tranh sơn mài, tranh khảm trai, tranh thêu, tranh tre từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: "Trong những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Trung tâm còn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa. Việc đưa vào hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội cũng như tổ chức tuần trưng bày sản phẩm theo chuyên đề nhằm hướng tới mục tiêu đó. Khách tham quan ngoài người tiêu dùng Thủ đô, còn có khách hàng là người nước ngoài, đại diện các khách sạn, khu resort tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận, đây là lượng khách hàng tiềm năng đối với các doanh nghiệp tham gia tuần trưng bày".
Là đơn vị có tỷ trọng tiêu thụ lớn sản phẩm tranh thủ công mỹ nghệ tại thị trường trong nước (chiếm trên 80%), bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và truyền thông Sao Khuê đánh giá: "Hiện nay, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm tranh thủ công mỹ nghệ nói riêng đang giảm sút rõ rệt, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, buộc các doanh nghiệp dần quay lại thị trường nội địa, nơi có tiềm năng tiêu thụ lớn nhưng còn bỏ ngỏ. Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và truyền thông Sao Khuê hy vọng, tuần trưng bày này sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, nhất là thị trường Hà Nội".
Một số doanh nghiệp cũng cho biết dòng sản phẩm tranh thủ công mỹ nghệ có tiềm năng thị trường trong nước rất lớn. Khi chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu sang nội địa, nếu doanh nghiệp đầu tư mạnh việc phát triển sản phẩm nhờ những thiết kế mới, độc đáo có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường nội địa.