Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ cần được quan tâm hơn nữa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu tháng 6 này, học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào một kỳ nghỉ hè đặc biệt trong điều kiện làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Để các em có một kỳ nghỉ hè an toàn, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước, đặc biệt là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, với tình trạng đuối nước, một tai nạn dễ xảy ra với con trẻ trong những ngày hè nắng nóng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Văn bản số 1839/SGDĐT-CTTT gửi các đơn vị, cơ sở trực thuộc yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống trong dịp hè 2021.

Và không chỉ có tai nạn đuối nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em là vô cùng quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, với trách nhiệm được giao, các cơ quan chức năng như ngành GD&ĐT, ngành Văn hóa - Thể thao, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục… đều đã có kế hoạch, biện pháp phòng chống, giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid hoành hành, các hoạt động thường tổ chức trong những ngày hè như các lớp năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, tham quan du lịch… đều bị tạm hoãn, mọi sinh hoạt của con em chúng ta hầu như chỉ bó gọn trong khuôn viên của mỗi gia đình. Trong bối cảnh đặc biệt đó, vai trò của ông, bà, cha mẹ càng quan trọng trong việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ nói chung cũng như đuối nước nói riêng.

Thực tế những ngày đầu hè đã cho thấy điều đó. Chỉ tính riêng tai nạn đuối nước, từ đầu mùa Hè đến nay, nhất là trong mấy tuần học sinh nhiều địa phương phải nghỉ hè sớm để phòng chống dịch bệnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ở tỉnh Quảng Bình, chỉ từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 đã xảy ra 3 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em. Đau lòng hơn, cả ba vụ nạn nhân đều là các cháu nhỏ, anh chị em trong một gia đình và tai nạn xảy ra đều do không được quản lý chặt. Sự việc đau lòng cũng xảy ra tại Đức Thọ, Hà Tĩnh khi hai chị em ruột, 6 tuổi và 3 tuổi tử vong vì rơi xuống ao nước sau nhà.

Cũng có những trường hợp tai nạn xảy ra khi các em không được sự quản lý chặt chẽ của cả nhà trường và gia đình. Gần đây nhất là vụ 4 nữ sinh cùng 13 tuổi, đang học lớp 7, đều trú tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong và đang trong thời gian nghỉ hè tử vong rủ nhau ra khu vực Suối Tráng, xã Bắc Phong tổ chức sinh nhật.

Khi những vụ tai nạn thương tâm nói trên xảy ra, gia đình, cộng đồng và mỗi chúng ta đều có sự ân hận, nuối tiếc: Giá như các cháu được quản lý, trông nom chặt chẽ hơn!

Vẫn biết là mỗi gia đình một hoàn cảnh, không ai mong muốn và thậm chí không thể ngờ tai họa lại ập đến một cách bất ngờ như vậy. Thực tế là có khá nhiều nguy cơ rình rập con em chúng ta trong những ngày hè đặc biệt khó khăn này. Điều đó đặt ra yêu cầu mỗi bậc cha mẹ, ông bà… cần dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm, bảo vệ, nhắc nhở con em mình có ý thức, kỹ năng phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn thương tích trong những ngày hè đặc biệt khó khăn này.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 đang diễn ra từ ngày 1 - 30/6 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Và không chỉ trong Tháng hành động, trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn quán triệt phương châm: Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em! Trong điều kiện cả xã hội đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19 này, mỗi gia đình cần quan tâm, chăm sóc và quản lý chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ con em chúng ta trước những nguy cơ tai nạn thương tích, dịch bệnh.