Những câu chuyện buồn
Một cô bé kể, lúc nào cũng có cảm giác muốn nổi loạn. Bởi bố mẹ đâu biết những khoảng trống vô hình trong lòng em khi suốt ngày bận rộn với công việc, các mối quan hệ và những bản hợp đồng. Ngay cả khi em nhận học bổng, mặc dù rất vui sướng nhưng đến cơ hội để được khoe với bố mẹ cũng không có. Và biết bao chuyện vui buồn của tuổi mới lớn, những cám dỗ ngoài đời... rất cần được chia sẻ với bố mẹ, nhưng không thể. Dần dần cô bé luôn cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà mình đang sống và đã không ít lần đã tìm đến cách giải quyết rất tiêu cực.
Sinh ra trong một gia đình có kinh tế khá giả, được mẹ cưng chiều nhưng Thanh lại thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Từ bé đến năm học lớp 12, việc chăm sóc cậu được giao toàn quyền cho người giúp việc. Cuộc sống tẻ nhạt đến mức khi ngồi đối diện với bố mẹ, cậu cũng không thể nói lời nào. Chính vì thiếu sự quan tâm của người lớn, khiến Thanh ngày càng cô đơn, không muốn đến trường.
Bố mẹ mải miết công việc, bận với những thú vui riêng mà quên chăm sóc con. (Hình minh họa)
Trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chính gia đình của mình không phải hiếm gặp. Cuộc sống hiện đại đã cuốn nhiều phụ huynh vào công việc, không còn thời gian chăm sóc con. Nhưng cũng có nhiều người quan tâm đến con theo hướng thái quá, áp đặt, trừng phạt nghiêm khắc với mong muốn "như thế con mới nên người". Cả hai cách này đều khiến trẻ thấy mình cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình.
15 phút cho con mỗi ngày, có quá khó?
Để khắc phục thực trạng đáng buồn trên, nhà trường, gia đình và xã hội phải gắn kết, hỗ trợ nhau trong việc giáo dục trẻ. Trong đó, vai trò giáo dục của gia đình đặc biệt quan trọng, bởi đây là môi trường giáo dục bước đầu của trẻ. Ở đó, bố mẹ là những người thầy, người cô đầu tiên và cũng là người thầy, người cô dạy con suốt cuộc đời. Đó là cái nôi chắp cánh cho những thành công của con trẻ trong sự nghiệp và trên đường đời.
Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VHTT&DL Hoa Hữu Vân chia sẻ: Ngay cả việc nuôi dạy con hiện nay tại các gia đình đã có hướng sai lầm khi chỉ bó hẹp trong việc học hành của con và nghĩ rằng, một đứa con ngoan là luôn mang về điểm 10 hay danh hiệu học sinh giỏi mà quên mất việc giáo dục cho con mình cách ứng xử, cách đối nhân xử thế... mới là quan trọng.
Do đó, các chuyên gia trong cuộc thảo luận đã đưa ra lời khuyên: Để phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ, trước hết các bậc làm cha mẹ phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Mỗi ngày, bố mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10 - 15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh đó, phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành. Bố mẹ cần thay đổi nhận thức và có những ứng xử tình cảm thích hợp, giao tiếp nhiều hơn với con, lắng nghe và thấu hiểu chia sẻ với con, đó cũng là điều mà những đứa trẻ đang mong muốn.