Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ nhỏ đổ bệnh vì nắng nóng

Hải Lý - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù miền Bắc mới trải qua đợt nắng nóng đầu tiên của mùa Hè nhưng đã khiến nhiều trẻ nhỏ đổ bệnh vì cơ thể không kịp thích nghi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, nhất là phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Người nhà mệt mỏi chờ khám bệnh nhi tại BV Nhi T.Ư. Ảnh: Ngọc Tú
Vất vả đi khám bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những ngày qua, tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, rất nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ đến khám bệnh. Với nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40oC, người lớn, trẻ em đều mệt mỏi trong lúc chờ khám và "vạ vật" đợi lấy kết quả.

Tại các khu hành lang, người nhà bệnh nhi bế bồng con nhỏ trong thời tiết oi bức đều tỏ vẻ mệt mỏi, lo âu. Trong khi chờ kết quả chụp, chiếu quá lâu, nhiều người tranh thủ ngả lưng, chợp mắt ngay ngoài cửa phòng khám.

Có mặt từ sáng sớm tại BV để xếp hàng khám bệnh cho cháu năm nay hơn 2 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồng (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, những ngày vừa qua, các thành viên trong gia đình bà ai cũng thấy mệt mỏi. Riêng 2 đứa cháu của bà đều đổ bệnh phải điều trị tại BV Nhi T.Ư. Đứa lớn bị viêm đường hô hấp, sốt cao, điều trị một tuần mới khỏi. Nay lại đến lượt đứa em bị các triệu chứng tương tự. “Hơn một tuần qua, chúng tôi phải thay nhau trực ở BV, phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần vì lo lắng cho cháu khiến ai nấy đều mệt mỏi” - bà Hồng chia sẻ.
Theo thống kê của Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, những ngày qua, mỗi ngày Khoa tiếp nhận gần 20 bệnh nhân bị đột quỵ từ nặng tới nhẹ. PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 cho biết, nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng luôn rình rập bất cứ ai, nhất là người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém. Khi người bệnh có các dấu hiệu như đau đầu đột ngột, chân tay yếu một bên, có rối loạn ngôn ngữ, khó nuốt, người nhà nên nghĩ tới đột quỵ và đưa đến BV kịp thời tránh để lại di chứng.

Trong khi đó, phải di chuyển từ Yên Định, Thanh Hóa, vào sáng sớm đến đầu giờ chiều mới đến BV, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng vô cùng lo cho sức khỏe của con. Theo anh Hoàng, con anh năm nay 3 tuổi, bị sốt cao, viêm đường hô hấp và đã nằm viện 2 tuần tại BV tỉnh Thanh Hóa nhưng không thuyên giảm nên gia đình xin đưa con lên tuyến T.Ư. “Mỗi lần đi xa là một lần vất vả, lại tốn kém vô cùng, nhất là trong thời tiết mùa Hè nóng nực thế này. Nhưng con tôi nằm ở BV tỉnh mãi không khỏi, người nhà ai cũng sốt ruột, đành đưa con ra Hà Nội. Đến nơi thấy BV đông, phải xếp hàng dài cũng ngán ngẩm vô cùng” - anh Hoàng buồn bã nói.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư trong những ngày này, nhiều trẻ bị sốt virus, viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm màng não… đến khám. Trong đó, nhiều trẻ đã bị biến chứng nghiêm trọng, phải thở máy.

Theo thống kê của BV Nhi T.Ư, những ngày qua, mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 3.000 trẻ đến khám, 60% trong số đó là các bệnh liên quan đến hô hấp. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Minh Điển - Phó Giám đốc BV, thời gian gần đây, số trẻ đến khám và điều trị vì bệnh viêm màng não có dấu hiệu gia tăng, nhiều ca biến chứng rất nặng.

Phòng bệnh đúng cách

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển và tấn công trẻ. Mùa này, trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản; các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, viêm ruột… Đặc biệt nguy hiểm là những trẻ bị sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột như chạy từ ngoài trời nắng vào nơi có máy lạnh hoặc nhảy xuống hồ bơi rồi ngâm mình trong bể bơi quá lâu.

PGS.TS Điển khuyên các gia đình không nên để trẻ tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ đến 16 giờ trong những ngày nắng. Đặc biệt, nên chủ động cho trẻ uống nước thường xuyên, không đợi đến lúc khát, trẻ đòi uống mới cho uống. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas kèm theo đá lạnh. "Tốt nhất nên cho trẻ uống nước ép từ các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, người lớn cần phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị sốc nhiệt" - PGS.TS Điển khuyến cáo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyên phụ huynh nên lưu ý các bệnh lý về da như viêm da, rôm sảy bởi khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người lớn tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn…

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo các gia đình nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh.