Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ nhỏ thức tỉnh người lớn

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lá thư đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học của Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 trường Marie Curie (Hà Nội), gửi thầy hiệu trưởng đã làm lay động trái tim nhiều người trong hơn một ngày qua. Điều quan trọng, hành động ảnh hưởng đến môi trường đã diễn ra lặp đi lặp lại, thành trào lưu lan rộng khắp nơi trong ngày khai giảng lại được chính một học sinh mới bước vào tuổi thứ 12 viết ra, thức tỉnh người lớn.

Bé Nguyệt Linh cùng bức thư mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. 
Lá thư của Nguyễn Nguyệt Linh có cách nhìn rất chân thực của một trẻ nhỏ về tác hại của việc thả bóng bay trong ngày khai giảng. Ngay sau khi nhận được bức thư của Linh, đại diện các trường Pascal, Bill Gates, Việt Úc hứa sẽ hạn chế rác thải, không thả bóng bay lên trời trong ngày lễ khai giảng. Đồng thời, hiệu trưởng trường Marie Curie cũng viết thư cảm động gửi riêng cho Linh. Không chỉ các trường học tại Hà Nội, nhiều trường học khác ở TP Hồ Chí Minh cũng lên tiếng ủng hộ lời đề nghị văn minh này của cô bé lớp 5. Trên trang cá nhân, thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú đã gửi lời cảm ơn ý tưởng của Nguyệt Linh. Thầy cũng đưa ra thông điệp sẽ cùng nhau thực hiện ý tưởng này. Tiếp đó, trường Phổ thông liên cấp Olympia cũng chia sẻ trên các trang phương tiện truyền thông của trường mình rằng, nhà trường chưa bao giờ thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng vì tốn kém không cần thiết và gây ảnh hưởng tới môi trường. Và mới đây nhất, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng ủng hộ lễ khai giảng không bóng bay.
Một việc rất bình thường, rất quen thuộc được nhìn ở một góc độ “tích cực” phục vụ cho nghi thức lễ khai giảng. Nhưng dưới một góc nhìn khác, nó có thể gây nguy hại đến môi trường. Hạnh phúc và bất ngờ, bởi một học sinh vừa kết thúc bậc tiểu học đã biết nghĩ đến điều mà người lớn không nghĩ tới. Nguyễn Nguyệt Linh đã nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta, những người đọc bức thư của em, và cả xã hội rằng, hãy biết bảo vệ môi trường sống của chính mình, của động vật trong thiên nhiên, chỉ bằng một chút thay đổi nhỏ về thói quen tiêu dùng.

Học sinh Hà Nội, bằng những việc làm, hành động cụ thể, đã cho thấy các em ngày càng biết quan tâm đến thế giới xung quanh, biết giữ gìn môi trường sống từ trong gia đình, nhà trường, khu phố đến nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các chương trình nhặt rác, dọn vệ sinh nơi công cộng... Lá thư của Nguyệt Linh chắc chắn sẽ tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ để vào ngày 5/9 tới, sẽ có rất nhiều trường không thả bóng bay. Thay vào đó, các trường sẽ chủ động tổ chức các hoạt động ý nghĩa thay thế, giúp học sinh vẫn có trọn vẹn niềm vui mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới môi trường.