Thông tin này được đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo đổi mới công tác tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học, tổ chức hôm nay 22/1.
Hiện nay, cả nước có 4.625.209 học sinh (HS) tiểu học được học tiếng Anh, chiếm 59,41% tổng số học sinh cả nước. Trong đó, số lượng học sinh lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh lên tới 84,04% nhưng chủ yếu rơi vào thời lượng 2 tiết/tuần (45,48%) và sau đến 4 tiết/tuần (43,17%).
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ ở bậc tiểu học có thể coi là một cú hích vào chất lượng giáo viên. Đến nay cả nước đã có 21.430 giáo viên, trong đó 10.488 giáo viên đạt chuẩn bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (đạt 48,94%) tổng số giáo viên tiếng Anh cả nước.
Tuy nhiên, với số lượng 21.430 giáo viên, tỷ lệ khoảng 0,1 đến 0,2 giáo viên/lớp có nghĩa mỗi người phải dạy từ 5 đến 10 lớp, tương đương 20 đến 40 tiết/tuần. Trong khi đó, quy định mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết và với giáo viên ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/tuần.
Nhiều nhà nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ khi tìm hiểu sự thất bại và thành công của nhiều chương trình ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở bậc tiểu học ở khu vực châu Á và châu Á Thái Bình Dương tổng kết thời lượng dành cho học động dạy và học không thỏa đáng cũng là nguyên nhân dẫn đến triển khai dạy học ngoại ngữ kém hiệu quả. Họ cũng chứng minh, 1 năm học 4 tiết/tuần sẽ hiệu quả hơn 2 năm học mỗi năm 2 tiết/tuần.
Như vậy, để đủ số lượng giáo viên cho việc thực hiện dạy 4 tiết/tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình của Đề án Ngoại ngữ 2020, tiểu học sẽ cần thêm nhiều giáo viên tiếng Anh nữa, đặc biệt ở các vùng khó.
Giáo viên tiếng Anh không những thiếu về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng. Với 51,06% giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và học sinh sẽ phải tiếp tục chờ giáo viên đạt chuẩn để học.