Theo số liệu Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (Jetro) công bố sáng 12/2. Theo đó, trong năm 2014, 62,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam báo lãi, cao hơn con số 59,9% của năm 2013. Những đơn vị lãi nhất là các công ty gia công xuất khẩu, với tỷ lệ có lãi xấp xỉ 70%, trong khi con số ở nhóm không gia công xuất khẩu lại thấp nhất -56%.
Tình hình kinh doanh của các công ty Nhật tại Việt Nam, theo Jetro là tốt hơn ở Indonesia, với tỷ lệ có lãi ở mức 60,9%. Tuy nhiên ở một số nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, tỷ lệ có lãi cao hơn, lần lượt là 71,2%, 66,9%, 66,4% và 60,7%.
Đây là một phần kết quả báo cáo thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia châu Á, Châu Đại Dương, vừa được Jetro thực hiện.
Cũng trong báo cáo này, môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản đã tốt hơn so với năm ngoái. Trong số 20 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng Top 5 với 3 tiêu chí thuận lợi về môi trường kinh doanh gồm tình hình chính trị xã hội ổn định; môi trường sống cho nhân viên thường trú, chi phí nhân công rẻ.
Khi được hỏi về 5 rủi ro trong môi trường đầu tư, câu trả lời của hơn 450 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho thấy họ đã bớt lo lắng hơn nhiều so với năm ngoái. Ví dụ, nếu như trong năm 2013, có 67,5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh bạch thì năm nay, con số giảm còn 60,3%.
Khi nói về việc hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch, các công ty Nhật lấy một số dẫn chứng như thiếu nghiên cứu trước khi xây dựng văn bản luật, nội dung xa rời thực tế, hay nội dung văn bản pháp luật không rõ ràng dẫn tới vận hành không thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương, cán bộ.
Ngoài ra, quá nửa công ty Nhật cũng nhận xét thủ tục hành chính phức tạp, ví dụ họ phải nộp lệ phí không chính thức trong ngành hải quan, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Giới doanh nghiệp cũng đề cập việc thời gian và tiêu chuẩn thẩm tra không rõ ràng khi thay đổi hoặc gia hạn giấy chứng nhận đầu tư hoặc có quá nhiều tài liệu phải đăng ký.
Khảo sát nói trên của Jetro được thực hiện năm thứ 28 liên tiếp. Tại Việt Nam, khảo sát năm vừa rồi được thực hiện với 720 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 458 phiếu trả lời hợp lệ./.
Ảnh minh họa.
|
Thông tin 5 hạng mục rủi ro hàng đầu của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam: Tỷ lệ % doanh nghiệp chọn tăng giảm so với 2013 1 Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch 60,3% -7,2% 2 Chi phí nhân công tăng cao 54,7% -11,9% 3 Thủ tục hành chính phức tạp (cấp phép...) 52,7% -13,4% 4 Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp 51,6% -13,4% 5 Cơ sở hạ tầng (Điện, vận tải, thông tiên liên lạc chưa hoàn thiện) 42,2% -7,3% |