Nổi lên trong chuỗi hoạt động này là Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện để tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ.
Cơ hội cho người làm sân khấu
Trong dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch, tức 16/9/2013) lần thứ 4 này - ngày mà giới làm nghề vẫn gọi "Giỗ Tổ ngành sân khấu", các nghệ sĩ lão làng vẫn không thôi bày tỏ những nỗi niềm đối với sân khấu đương đại. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: Giới sân khấu nước nhà đang cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống, lòng tri ân tổ nghiệp, hướng về công chúng, mang đến cho khán giả những vở diễn hấp dẫn. "Chính vì thế, nội dung trọng tâm của lễ kỷ niệm là tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến của các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, có tác động và ảnh hưởng lớn đến sự gìn giữ và phát triển sân khấu Việt Nam" - NSND Lê Tiến Thọ cho biết.
Cảnh trong vở "Lời thề thứ 9" của Nhà hát Tuổi trẻ.
|
12 tác phẩm tham dự liên hoan gồm: "Ông không phải bố tôi", "Trái tim trong trắng" (Nhà hát Kịch Hà Nội), "Ngọc Hân Công chúa", "Nàng Sita" (Nhà hát Chèo Hà Nội), "Điều không thể mất" (Nhà hát Kịch Quân đội), "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Mùa hạ cuối cùng", "Lời thề thứ 9" (Nhà hát Tuổi trẻ), "2000 ngày oan trái" (Đoàn Cải lương Hải Phòng), "Hồn Trương ba da hàng thịt" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Ai là thủ phạm" (Đoàn kịch Nam Định), "Điều không thể mất" (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế). |
Không phải ngẫu nhiên mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu chọn tác giả Lưu Quang Vũ để tri ân trong dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu lần thứ 4. Lưu Quang Vũ đã có vị trí rất đặc biệt trong thi đàn và sân khấu Việt Nam đương đại. Với gần 10 năm viết cho sân khấu, Lưu Quang Vũ đã để lại hơn 50 kịch bản, "đụng chạm" tới nhiều vấn đề cuộc sống xã hội với tư duy sâu sắc và nhân văn cao cả, đặc biệt là tính dự đoán tương lai. Nhiều kịch bản của ông đã được dàn dựng thành vở diễn, tham gia và nhận được nhiều giải thưởng nghệ thuật tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Như NSND Lê Tiến Thọ nhận định: "Liên hoan kịch dành riêng để kỷ niệm 25 năm ngày Lưu Quang Vũ đi xa, ngoài sự tri ân của đồng nghiệp, khán giả được trở lại với một mảng kịch từ 25 năm qua nhưng vẫn là những hiện tượng trong xã hội ngày nay. Đây là cơ hội để các nhà viết kịch có thêm chiêm nghiệm, học tập lối viết kịch sắc bén này".
Liên hoan đã được phát động từ 3 tháng trước và các nhà hát, các đoàn kịch trong cả nước đã hồ hởi vào cuộc, đưa lên sàn tập những tác phẩm "để đời" của Lưu Quang Vũ. Thế nên, lên sàn diễn liên hoan để tranh tài từ 9 đến 16/9 này sẽ là 12 tác phẩm kịch, chèo và ca kịch. Và sẽ có 3 loại giải được trao ở cuối liên hoan: Giải cho diễn viên; Giải cho vở diễn mới dàn dựng có chất lượng nghệ thuật cao; Giải cho đạo diễn có nhiều tìm tòi, sáng tạo mới. Lễ công bố và trao thưởng sẽ diễn ra vào ngày 16/9 trong Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IV tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội)