Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII

Tri thức hóa nông dân cần sự chung tay của toàn xã hội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo nông dân thành người chuyên nghiệp; tăng cường liên kết nông dân với DN; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn… là những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII diễn ra ngày 12/9.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN& PTNT chủ trì, tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện lãnh đạo bộ, ban ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, DN và 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cần thêm vốn sản xuất và chính sách liên kết

Tại diễn đàn, vấn đề thiếu vốn sản xuất, kinh doanh được nhiều đại biểu nông dân quan tâm, chia sẻ. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Thành (tỉnh Bắc Kạn) Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay: “HTX chuyên nuôi trồng, chế biến thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy, khó khăn lớn nhất của HTX không phải vấn đề đầu ra mà là nhu cầu cần nguồn vốn lưu động lớn để thu mua sản phẩm của nông dân. Vậy Nhà nước có nguồn vốn ưu đãi để chúng tôi được tiếp cận?”

Dù thành công với mô hình sản xuất cá giống cho thu nhập trung bình 1,2 – 1,8 tỷ đồng/năm, nhưng bà Hoàng Thị Chắp (ở xã Cốc San, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) luôn canh cánh băn khoăn làm sao để tiết giảm chi phí đầu sản xuất.

Theo bà Hoàng Thị Chắp, trong đợt bão giá thức ăn chăn nuôi vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, có ký kết hợp đồng, mối quan hệ làm ăn lâu dài với các DN thì chi phí giảm được rất nhiều. Do đó, bà Chắp mong muốn các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp cần có thêm hình thức “bắt tay” với nông dân để hai bên cùng có lợi.

Quan tâm đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Văn Linh (ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, ông và nhiều nông dân khác đang tham gia mô hình liên kết trồng cà rốt xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc cho hiệu quả kinh tế cao.

Kể từ khi chuyển sang làm ăn có liên kết, bản thân mỗi người nông dân đều nhận thấy mình đã trở lên chuyên nghiệp rất nhiều. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Linh kiến nghị, trong thời gian tới, Nhà nước tiếp tục có những chính sách thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với DN.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty CP Chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH Ngô Tiến Dũng cho hay, trong thực tế, các DN đều mong muốn sản xuất sản phẩm bán ra thị trường được đón nhận và xây dựng được vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với DN.

Một điều đáng nói nữa là DN không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ mà chỉ có thể kết nối với nông dân thông qua các HTX. Tuy nhiên, nhiều nông dân lại e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia vào các HTX kiểu mới. Đây chính là nguyên nhân khiến cho liên kết giữa HTX với DN còn lỏng lẻo hoặc không đạt hiệu quả như mong đợi.

Quang cảnh Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.
Quang cảnh Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.

Hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp  

Đề cập về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cố hữu cho ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, trước hết, nông dân phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất để hạ giá thành đầu vào.

Bởi đây là tiền đề hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra những nông dân chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cần liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc… từ đó, xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Lê Văn Nghị, mấu chốt liên kết nông dân và DN không thành công là do cả hạ bên đều đang thiếu chuyên nghiệp. Đơn cử như, khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì DN bẻ kèo.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, cả nông dân và DN cần phải chuyên nghiệp hơn trong việc tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Đặc biệt, chính quyền cơ sở cần vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Về vấn đề giải bài toán nguồn vốn vay, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, thời gian qua, NHNN đã tham mưu cho Chính Phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường. Ngoài ra, tiếp tục triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù như: Cho vay giảm tổn thất nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch…

Đặc biệt trong hai năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Với việc triển khai quyết liệt các chính sách như vậy, tính đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế.

“Thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh của HTX” – ông Nguyễn Xuân Bắc thông tin.

Sớm cụ thể hóa đề án tri thức hóa người nông dân

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, có các chính sách để thu hút lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Nhận định việc hiện thực hóa yêu cầu xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân là không dễ dàng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, điều kiện cần để thực hiện tri thức hóa nông dân là vai trò kiến tạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Trong cuộc cách mạng số, nếu như có bản đồ số về nông nghiệp, được cập nhật thường xuyên, vùng sinh thái nào trồng cây gì thì sẽ thôi thúc họ lựa chọn sản phẩm mới, công nghệ mới. Khi đó, sản phẩm nào ra trước sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho người nông dân tri thức về thị trường, nhận diện giá trị sản phẩm để từ đó giảm chi phí, tăng gia trị và phát huy sức mạnh mềm của sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng, yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhóm giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Vì vậy, để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn, cần tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, khoa học công nghệ, quản trị xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh… Từ đó, nông dân và cư dân nông thôn có đủ khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.

 

“Những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân về các vấn đề, khó khăn cụ thể tựu trung là những vấn đề đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững; yêu cầu về nhận thức mới, kỹ năng mới của người nông dân và mục tiêu lâu dài, xuyên suốt của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã được thể hiện trong chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn