Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội để Việt Nam bứt phá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) không còn là khái niệm xa lạ khi mà rất nhiều ứng dụng AI đã và đang trở nên quen thuộc với người dùng như: Robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG...

Nhờ sự phát triển vũ bão của AI, các DN Việt đang đứng trước rất nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)
AI len lỏi mọi ngõ ngách nền kinh tế

Tại Việt Nam, người dùng đã biết đến AI từ những ứng dụng rất nhỏ như: Máy ảnh tự nhận diện khuôn mặt, trợ lý ảo trên smartphone, xe tự lái, robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG... AI đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi hoàn toàn bộ mặt của DN cũng như của các nền kinh tế. Đó là thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam và AI là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hệ thống điều khiển giao thông thông minh, y tế thông minh, phòng chống gian lận, tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, chiếu sáng… đều được từng bước cải tiến nhờ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
 Tập đoàn Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam.  Ảnh: Mạnh Cường
Hay những Hệ thống giao tiếp tự động (Chatbot) được ứng dụng ở các công ty dịch vụ như FPT Telecom, FPT Shop, VHT, Sendo… có khả năng trả lời tự động hàng trăm nghìn cuộc gọi trong suốt 24/7, giúp khách hàng tìm kiếm thông tin sản phẩm, gửi thông báo về các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ đặt mua hàng trực tiếp nhanh chóng... Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường nhận định: AI sẽ tiến vào mọi ngõ ngách của Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam hiện đang đi cùng với thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ AI bởi sự tiếp cận nghiêm túc và đầy hào hứng của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân như FPT, VNPT, Viettel, CMC... Cùng với đó, tập trung nguồn lực rất lớn, bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó huy động nguồn lực, để dựng chương trình nghiên cứu phát triển. Mới đây Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty VinSmart, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử thông minh và nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng AI.

Cơ hội để cải thiện năng suất, tăng trưởng

Theo khảo sát mới đây của trường Kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ), các quốc gia trên thế giới được phân thành 4 nhóm về sự phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp vào nhóm “Đột phá” có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai.
 Chế tạo Robot phục vụ ngành công nghiệp tại Công ty Năng lực Việt, khu Công nghiệp Nam Thăng Long.  Ảnh: Thanh Hải
Microsoft đánh giá, có 3 lý do chính để Việt Nam phát triển trí thông minh nhân tạo. Thứ nhất là nguồn cung cấp dữ liệu: Việt Nam có dân số đông, đồng thời là khu vực gắn liền với kỹ thuật số nhiều hơn các khu vực khác nên sẽ là nguồn cung cấp số lượng lớn dữ liệu mà hệ thống AI sẽ cần để phát triển; Thứ hai là nguồn nhân lực: Việt Nam được đánh giá là nơi có thể cung cấp nguồn lực tốt; Thứ ba là nơi đón nhận: Điểm đặc biệt của Việt Nam là người dân dễ dàng tiếp cận cũng như sẵn sàng đón nhận công nghệ kỹ thuật số để nâng cao cuộc sống.

Mới đây, Việt Nam đã khởi động chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018” nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam. Từ đó, hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.

Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có khát vọng tận dụng AI để Việt Nam trở thành nước tiên phong về kinh tế trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu là biến Việt Nam trở thành nước có vai trò đầu tàu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế AI. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển KHCN nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng.

“Với lợi thế nước đi sau, nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có thể tranh thủ đặc điểm của công nghệ mới, cốt lõi của AI để theo đuổi mục tiêu phát triển. Cộng đồng DN Việt Nam rất năng động và có khả năng thích ứng nhạy bén với các thay đổi của thị trường và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội phát triển đầy tiềm năng này”. - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng