"Chú trọng đến việc ngăn ngừa phát sinh chất thải ra môi trường; kiểm soát, xử lý để giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm. Cải tạo, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu" - là những nội dung trọng yếu trong kế hoạch thực hiện "Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 - tầm nhìn 2030" vừa được UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện.
Thả bè hoa Thủy trúc trên sông Tô Lịch giúp cải thiện tình trạng nước sông đang bị ô nhiễm. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo đó các cơ sở sản xuất - kinh doanh mới, các khu công nghiệp đang hoạt động đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Chất thải y tế, chất thải nguy hại được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy… đến 2020 đều phải đạt con số 100%.
Đến năm 2030 cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Cải thiện chất lượng môi trường sống. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu - xây dựng những điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải và phát triển bền vững Thủ đô.
Để thực hiện thành công những nội dung trên, nhiệm vụ trước mắt cần phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, các khu vực gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, cải thiện và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm môi trường. Thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước; nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp, xử lý và làm sạch nguồn nước. Phục hồi môi trường các hồ ao, kênh mương… đang bị cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn TP từ nguồn vốn ODA hoặc từ ngân sách Nhà nước. Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân xử lý cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt gồm: Đề án quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ. Đề án các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp bảo vệ môi trường Hà Nội đến năm 2020. Đề án cải tạo môi trường sông Tô Lịch, sông Tích và các dự án thoát nước của Hà Nội. Cùng với đó, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn, xử lý nước thải sinh hoạt theo quy hoạch đã được phê duyệt…
Kinh phí để thực hiện kế hoạch được huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA và nguồn đầu tư từ các DN… Sở TN&MT là cơ quan được UBND TP Hà Nội giao là đầu mối, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.