Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai dịch vụ công trực tuyến: Tăng cả lượng và chất

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), theo đánh giá của UBND TP, Hà Nội đã đẩy mạnh cả về "lượng" và "chất" cung cấp DVCTT mức độ 3, 4, đạt nhiều kết quả khả quan từ cấp TP đến tận cấp xã.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, Hà Nội có 225.173/239.480 hồ sơ được giao dịch qua mạng tại các cơ quan Nhà nước; triển khai đồng bộ 81 DVCTT mức độ 3, 4 tới các quận, phường và các sở; mở rộng 10 DVCTT mức 3 tại 18 huyện, thị xã và 6 DVCTT mức 3 lĩnh vực tư pháp tại 416 xã, thị trấn, nâng tổng DVCTT của TP lên 391 DVC. Còn theo lãnh đạo Sở TT&TT, hết tháng 12/2017, TP đã đạt tỷ lệ ấn tượng với 32% DVC được thực hiện trực tuyến và đang phấn đấu đứng đầu cả nước.
 
Quyết tâm của lãnh đạo TP đã lan tỏa đến mọi sở, ngành, quận, huyện và tận xã, phường. Điển hình là Sở KH&ĐT với 123/159 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết thực hiện DVCTT mức 3, 4, trong đó 105 TTHC đạt mức 4. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 90% tổng hồ sơ tiếp nhận, nhiều nhất là lĩnh vực đăng ký DN. Các sở chiếm 76% tổng TTHC toàn TP, đối tượng thực hiện TTHC hầu hết là tổ chức, DN có trình độ ứng dụng CNTT, đây là động lực quan trọng để TP đạt những mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, nhiều quận, huyện cũng đạt kết quả rất khả quan. “Lãnh đạo UBND quận xác định, để xây dựng chính quyền điện tử phải có những “công dân điện tử”. Vì vậy, quận cho triển khai mô hình “khu dân cư điện tử” tại một số phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung... giao UBND phường và tổ dân phố vận hành thông qua tình nguyện viên” - Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân Vương Thị Vân Khánh cho hay.

Tại các huyện, dù cơ sở vật chất hạn chế so với quận, song đều nỗ lực triển khai DVCTT đến tận xã. Năm qua, UBND huyện Gia Lâm đã triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, nhằm tạo nền tảng thiết yếu triển khai DVC mức 3, 4. Đồng thời nâng chất lượng cung cấp DVCTT, mở rộng những DVC mức 3 đã vận hành… Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến từ huyện đến xã đạt hơn 90%, trong đó nhiều xã, thị trấn đạt 100%.

Trong kế hoạch CCHC năm 2018, TP đặt mục tiêu cung cấp 55% DVCTT mức độ 3, 4 để phấn đấu đến 2020 có 100% TTHC được thực hiện mức 3, 4. Để cán đích này, UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện… tăng tuyên truyền đến người dân, DN về lợi ích của DVCTT mức 3, 4. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cần được tiếp tục đẩy mạnh không chỉ cho người dân mà cho toàn bộ máy, để góp phần thay đổi thói quen. Cả hệ thống vào cuộc thì công tác CCHC mới hiệu quả.

Dù đã đạt kết quả đáng khích lệ, song nhiều đơn vị phản ánh, TP cần khắc phục một số hạn chế, nhất là tỷ lệ người trực tiếp nộp hồ sơ qua mạng còn thấp. Theo Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Hà Đông Nguyễn Mạnh Cường, tốc độ, chất lượng đường truyền khi người dân khai hồ sơ tại các điểm hỗ trợ DVCTT nhiều khi không ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Còn theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết, để công dân không phải cung cấp nhiều giấy tờ, thông tin, huyện kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, hợp nhất các phần mềm giải quyết TTHC tại “một cửa”...