Theo Sở GTVT (chủ đầu tư dự án), hiện hợp phần xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và hợp phần xe buýt nhanh BRT đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Hoàn thành GPMB trước 31/12
Đây là cam kết của UBND TP Hà Nội với WB về công tác GPMB tại tuyến đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân- Cầu Giấy. Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy có chiều dài 6,1km đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy và Đống Đa. Để thực hiện dự án phải GPMB 1.555 hộ dân, đến nay, đã phê duyệt phương án đền bù được 1.383 hộ, GPMB xong 974 hộ. Hiện, vẫn còn 581 hộ chưa GPMB xong, trong đó, có 414 hộ đã phê duyệt phương án đền bù (294 hộ đã nhận tiền) và 167 hộ chưa phê duyệt. Trong đó, quận Tây Hồ: 21 hộ, quận Cầu Giấy: 192 hộ, quận Ba Đình: 328 hộ và quận Đống Đa: 40 hộ.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu lãnh đạo các quận trả lời về tiến độ GPMB cho dự án. Lãnh đạo các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ đều khẳng định đã đẩy nhanh quy trình phê duyệt phương án đền bù, đồng thời cam ngày 31/10 tới đây sẽ hoàn thành GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư.
Theo đại diện Sở Xây dựng, hiện quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án cần 939 căn tại Khu CT1 Khu TP giao lưu, Khu CT13 Phú Thượng và Khu N05 Dịch Vọng đã được bố trí đầy đủ. Trong các ngày tới, Sở và Công ty quản lý nhà sẽ huy động nhân lực để làm thủ tục nhanh nhất cho người dân nhận nhà.Về gói thầu xây dựng tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, tất cả các gói thầu đã và đang được triển khai như ga đầu cuối Kim Mã, đề pô Yên Nghĩa, đường dành riêng cho buýt BRT trên đường Lê Văn Lương, các nhà chờ trên tuyến… Riêng đoạn đường dành riêng cho xe buýt BRT trục Láng Hạ - Giảng Võ đang chờ ý kiến về việc cào bóc toàn bộ để làm đường bê tông hay chỉ gia cố những đoạn đường yếu.
Chạy thí điểm tuyến buýt Kim Mã - Yên Nghĩa
Sau khi nghe báo cáo của Sở GTVT, đại diện WB ghi nhận những cố gắng của các cấp, ngành Hà Nội; song cũng đề nghị TP mở tuyến buýt thông thường từ Kim Mã - Yên Nghĩa để xem xét nhu cầu đi lại và cho người dân quen với việc sử dụng xe buýt, để khi có buýt BRT sẽ thu hút được khách đi. Trước đề xuất của WB, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, tổ chức chạy thử nghiệm tuyến xe buýt thông thường từ Kim Mã - Yên Nghĩa trong thời gian sớm nhất. Liên quan đến việc làm đường cho xe buýt BRT đoạn Láng Hạ - Giảng Võ, TP Hà Nội và WB đã đi đến thống nhất chỉ gia cố bê tông mặt đường tại những đoạn có nền yếu. Đối với việc mua sắm xe buýt BRT, Phó Chủ tịch yêu cầu chậm nhất đến 15/10, hợp đồng sẽ được ký với WB và các xe buýt mua mới nên lựa chọn tiêu chuẩn EU.
Về công tác GPMB hợp phần đường Vành đai 2, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng giao Ban Chỉ đạo GPMB TP đôn đốc, tháo gỡ những vướng mắc cho các quận trong công tác GPMB để bảo đảm tiến độ như đã cam kết với WB. Định kỳ 2 tuần/lần, Ban tổng hợp báo cáo TP về tiến độ GPMB của các quận. Nếu có khó khăn vướng mắc ở đâu kịp thời báo cáo TP xử lý. "Toàn bộ cơ chế, chính sách và quyền lợi cho người dân trong diện GPMB của dự án các quận phải đảm bảo minh bạch, đầy đủ. Cùng với đó, nếu quận nào chậm trễ trong GPMB không đúng theo cam kết đã đặt ra thì lãnh đạo quận phải chịu trách nhiệm trước UBND TP" - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Dự án đường Vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy đoạn chạy qua quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
|
Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 304 triệu USD, sử dụng vốn vay của WB và vốn đối ứng trong nước, gồm có hai hợp phần chính là xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy) và hợp phần xe buýt nhanh BRT. Cụ thể, hợp phần xây dựng đường Vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy có chiều dài 6,1km, điểm đầu là cầu Nhật Tân, điểm cuối nối với đường Láng. Hợp phần xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài khoảng 14km với việc xây dựng các nhà chờ hiện đại và xe buýt chạy trên tuyến có sức chứa lớn và được ưu tiên khi đi trên đường. |