Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai Khuyến nghị Ủy ban LHQ về quyền trẻ em

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn hai mươi năm, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế của mình.

Hội thảo triển khai Khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em đối với Việt Nam, nhằm trao đổi, đóng góp ý kiến hoàn thiện khung kế hoạch, lộ trình thực hiện các khuyến nghị, tổ chức ngày 25/4, tại Hà Nội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức hội thảo này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết hơn hai mươi năm, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế của mình. Ngày 31/5/2012, tại trụ sở Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em ở Geneva (Thụy Sĩ), đoàn Việt Nam đã bảo vệ thành công "Báo cáo tình hình thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2008-2011."
 
Triển khai Khuyến nghị Ủy ban LHQ về quyền trẻ em - Ảnh 1
 

Các mẹ của Làng trẻ em SOS tỉnh Hà Tĩnh chăm lo cho các con từ bữa ăn đến giấc ngủ. (Ảnh minh họa của Nguyễn Thủy/TTXVN)
 

Phiên bảo vệ lần này của phái đoàn Việt Nam thực sự là một phiên đối thoại cởi mở, mang tính xây dựng, thân thiện và được đánh giá cao. Ngày 15/6/2012, sau khi xem xét báo cáo, Ủy ban quyền trẻ em đã đưa ra 84 khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh sự công nhận những thành tựu đạt được của Việt Nam, các thành viên Ủy ban quyền trẻ em cũng bày tỏ sự quan ngại về những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt liên quan đến việc thực hiện Công ước.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc, các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam đang từng bước sửa đổi, bổ sung để dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về trẻ em đảm bảo phù hợp, hài hòa với pháp luật quốc tế. Nhà nước Việt Nam đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ quyền trẻ em, quyết tâm phấn đấu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như các công ước quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn lực dành cho bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế; tỷ lệ trẻ em chết do tai nạn thương tích và suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao; sự bất bình đẳng giữa các nhóm trẻ em người Kinh với người dân tộc thiểu số, giữa nhóm trẻ em bình thường và trẻ em khuyết tật.... Cùng với đó, sự tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân cũng như việc thực hiện quyền của trẻ em ở Việt Nam.

Nội dung chủ yếu của các khuyến nghị bao gồm các vấn đề liên quan đến xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật phát về trẻ em; xây dựng, bổ sung, điều chỉnh chính sách, chiến lược, chương trình, dịch vụ cho trẻ em; nâng cao năng lực quản lý, giám sát, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trao đổi về giải pháp triển khai có hiệu qủa khuyến nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần hài hòa luật pháp quốc gia và công ước quốc tế thông qua từng bước nội luật hóa các nguyên tắc và các quyền quy định trong Công ước, quy định về độ tuổi trẻ em, độ tuổi tham gia lao động.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng rằng cần tăng cường năng lực của các cơ quan phụ trách trẻ em, triển khai theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em như thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về việc triển khai, thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em thông qua các Ủy ban liên quan tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, qua kiểm tra liên ngành và qua việc tham gia giám sát của trẻ em tại các đoàn thể xã hội.../.