Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai phần mềm cung ứng thuốc: Những bất cập từ cơ sở

Tâm Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối phần mềm cung ứng thuốc, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn nảy sinh nhiều bất cập.

Mua bán thuốc tây trên phố Ngọc Khánh. Ảnh: Hải Linh
Nhiều quầy thuốc tư nhân chưa được kết nối
Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 6.904 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 3.501 nhà thuốc; 2.274 quầy thuốc. Theo đánh giá của Sở Y tế, việc kết nối liên thông về cơ bản đạt tiến độ đề ra, hoàn thành 100% tiến độ đối với nhà thuốc, hoàn thành 93,8% tiến độ đối với quầy thuốc.

Để đạt được kết quả này, Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã đã tổ chức 126 lớp tập huấn các quy định về bán thuốc kê đơn, kết nối cho 6.148 cơ sở (đạt 86,8%). Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện chưa hoàn thành kết nối 100% quầy thuốc tư nhân như Quốc Oai, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thanh Trì… Sở Y tế đánh giá công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông các cơ sở ở một số quận, huyện chưa được chú trọng. Kiểm tra tại 70 cơ sở đã thực hiện kết nối thì một số cơ sở chưa cập nhật dữ liệu đầy đủ, thường xuyên, một số còn chưa thực hiện thành thạo sử dụng phần mềm.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn gặp một số khó khăn. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Hiện, Cục Quản lý dược chưa ban hành chuẩn kết nối liên thông đối với những cơ sở bán buôn. Một số cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý mua bán, lưu đơn thuốc.

Nảy sinh những bất cập

Ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND triển khai thực hiện theo kế hoạch của TP Hà Nội, quận Đống Đa đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có nhiều vấn đề bất cập. Chị Quách Thanh Hiền - chủ một hiệu thuốc ở ngõ 12, đường Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa chia sẻ, từ năm ngoái chị đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm cung ứng thuốc, khi đăng ký chị có sử dụng phần mềm của Viettel, giá cước khoảng 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phần mềm này thường xuyên chậm, việc cập nhật các loại thuốc vì thế cũng không đầy đủ. "Để đổi phầm mềm khác tôi lại phải lên quận, làm lại hồ sơ, trình, xin chữ ký... nói chung là rất phiền phức và mất nhiều thời gian" - chị Hiền cho biết.

Không chỉ ở các quận, một số huyện cũng gặp vấn đề khi triển khai kết nối phần mềm cung ứng thuốc. Bà Nguyễn Thị Bằng - cán bộ Phòng Y tế huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện trên địa bàn huyện, các cửa hàng đang sử dụng một số phần mềm của các DN như: Viettel, Công ty TNHH Công nghệ và thương mại Ánh Sáng, Công ty Công nghệ thông tin VNPT. Tuy nhiên, các cửa hàng sử dụng phần mềm của Viettel thì hai bên sẽ làm việc trực tiếp với nhau, còn các quầy thuốc muốn sử dụng phần mềm khác thì Phòng Y tế lấy thông tin từ các quầy thuốc, lên danh sách gửi ra Sở Y tế, khi nào xong Sở sẽ gửi về và cuối cùng Phòng sẽ trả lại tài khoản cho cho cơ sở sử dụng.

Huyện Chương Mỹ là địa bàn rộng với 32 xã, thị trấn, việc quản lý các cửa hàng thuốc vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Bằng cho rằng, ở nông thôn, việc đầu tư máy tính kết nối mạng sử dụng phần mềm cung ứng thuốc còn hạn chế. “Quầy thuốc chỉ bán trong một làng, một xóm, lượng khách nhỏ, thu nhập không nhiều, bên cạnh đó trình độ tin học của nhiều người chưa thành thạo nên rất khó ứng dụng CNTT" – bà Bằng nói.

Với thực trạng đang diễn ra ở các quận, huyện, các cơ quan chức năng của TP cần tăng cường kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Kiểm tra việc thực hiện bán thuốc theo đơn của các cơ sở bán lẻ. Đặc biệt kiểm tra những cơ sở không thực hiện kết nối, cập nhật đầy đủ dữ liệu liên thông theo quy định... Có như vậy việc thực hiện mục tiêu theo kế hoạch của TP mới đạt yêu cầu.
Theo Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 7/8/2018 của UBND TP Hà Nội, trong quý III/2019, TP sẽ tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn TP. Đến quý IV/2019, TP sẽ đề xuất mô hình/phương thức phù hợp đối với hoạt động kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.