Triển lãm giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, những thước phim tư liệu là bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý chân thực, khách quan, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó góp phần xây dựng niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đồng thời định hướng, khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nội dung trưng bày tại triển lãm gồm bốn phần. Phần một là tư liệu do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng thực hiện trong hai năm 2010-2011.
Tại nội dung này, triển lãm trưng bày một số bản đồ cổ nhất Việt Nam, xuất bản thế kỷ 15 như bản đồ Đại Việt quốc, in trong tập Hồng Đức, năm 1490; bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ do giám mục người Pháp Jean Louis Taberd xuất bản năm 1836; bản đồ Đại Nam thống nhất toàn đồ, xuất bản năm 1938. Các bản đồ này đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đặc biệt, các châu bản của nhà Nguyễn (1802-1945), các châu bản thời Minh Mạng ra chỉ dụ về việc các đội đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa; bộ ảnh tư liệu phản ánh đời sống và sinh hoạt của cư dân và lính bảo an người Việt tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hơn 5 thế kỷ qua.
Ở phần này còn hàng chục bản đổ cổ do triều đình nhà Nguyễn, các nước phương Tây xây dựng và tám tấm bản đồ do chính người Trung Quốc ở các triều đại nhà Thanh, Trung Hoa Dân quốc xuất bản công bố trên toàn thế giới thế kỷ XVI đến nay. Trong số này, có nhiều tấm bản đồ chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phần thứ hai là bộ sưu tập bản đồ của ông Trần Thắng (sinh 1970, tại Quảng Ngãi), Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục tại New Yord. Trong đó, nhiều tấm bản đồ cổ của ông Thắng sưu tầm tại Mỹ và các nước phương Tây để trao tặng Việt Nam, đặc biệt với các tập bản đồ “Trung Quốc địa đồ”, “Trung Quốc bưu chính dư đồ”… là sản phẩm bản đồ bưu chính do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục đã ghi nhận chủ quyền biên giới lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Phần thứ ba, triển lãm trưng bày bộ Atlas bản đồ thế giới gồm sáu tập, xuất bản năm 1827 (sưu tầm tại Vương quốc Bỉ). Bộ Atlas này do nhà địa lý học kiệt xuất P.Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827, gồm sáu tập với bảy bản đồ chung của năm châu lục; hơn 380 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê thông tin về địa lý, tự nhiên, khoáng sản... có tỷ lệ 1/164136, kích thước 53,5cm x 37cm… Riêng khu vực châu Á có trên 110 tấm bản đồ nằm trong hai bộ Atlas; trong đó Việt Nam có bốn tấm (thuộc các tấm số 97, 105, 106, 110).
Trên tấm bản đồ số 106 có tên “Partie de la Cochinchine” vẽ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12-16, phía ngoài khơi là Paracel (Hoàng Sa) được vẽ chi tiết chuẩn xác khoảng từ vĩ độ 16 đến 17, kinh độ từ 109 đến 111. Qua đây chứng minh quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến 17, đàng trong thuộc xứ An Nam.
Phần thứ tư, triển lãm trưng bày tư liệu của Bộ Thông tin Truyền thông, Ủy ban Biên giới quốc gia và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là những hình ảnh về địa lý, tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; về đời sống và sinh hoạt của quân dân huyện đảo Trường Sa; những tư liệu, ấn phẩm về Hoàng Sa và Trường Sa do các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đã nghiên cứu.
Triển lãm còn trưng bày 120 ảnh tư liệu về các đảo, nhà giàn DK trên quần đảo Trường Sa ngày nay, đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí xây dựng.
Trong hai ngày diễn ra triển lãm (17 và 18/6), nhiều hoạt động với chủ đề hướng về tình yêu quê hương, biển đảo, đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc như chương trình giao lưu văn nghệ ca ngợi quê hương, biển đảo; chiếu phim ngoài trời… phục vụ quần chúng nhân dân, lực lượng vũ trang.
Những tài liệu khẳng định về chủ quyền về hai Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam được giới thiệu tại buổi tọa đàm. Ảnh minh họa. (Nguồn: Quý Trung/TTXVN)
|