Triệt tiêu nạn phế thải xây dựng tồn đọng: Tháo gỡ bất cập từ chính sách

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, phế thải xây dựng tồn đọng đã trở thành một vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Các chuyên gia khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ chính sách.

Rác thải tồn đọng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Tràn lan vi phạm
Để xây dựng Thủ đô “sáng – xanh – sạch – đẹp” trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng vận chuyển, thu gom rác thải, đặc biệt với rác thải sinh hoạt. Song, ghi nhận thực tế cho thấy, trừ những khu vực nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) – nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động chính trị lớn, công tác thu gom rác thải được thực hiện, quản lý tốt, còn nhiều khu vực tại các quận khác hoặc ngoại thành, thì việc này đang bộc lộ không ít bất cập.
Đơn cử, tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, con đường nối liền 3 quận gồm Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, tình trạng rác thải tập kết sai quy định gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến (khu vực giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và Tây Hồ). Đây cũng là tình trạng đã và đang diễn ra trên đường Nguyễn Cảnh Dị kéo dài (phường Định Công)… gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ trở thành những ổ dịch bệnh giữa Thủ đô.
Theo ghi nhận của phóng viên, sở dĩ những khu vực trên trở thành “điểm nóng” về tình trạng tập kết, tồn đọng rác thải do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Bởi dù nằm trong nội thành nhưng những khu vực trên rất vắng người vào ban đêm, chênh vênh trong việc phân định trách nhiệm quản lý giữa địa phương và chủ đầu tư các dự án… Từ đó, nhiều đối tượng xấu biến những khu vực trên trở thành điểm đổ trộm phế thải.
Rà soát, loại bỏ đơn vị năng lực kém
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên là năng lực của đơn vị thu gom, dọn dẹp rác thải. Trước đây, Hà Nội giao việc thu gom rác thải cho các đơn vị trực thuộc TP – những đơn vị vừa kinh doanh, làm kinh tế vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Song, từ vài năm trở lại đây, TP đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị thu gom rác, song không phải đơn vị nào cũng có đủ năng lực, nhân lực, máy móc… nên việc để xảy ra tồn đọng rác khó tránh khỏi.
Một nguyên nhân chính nữa xuất phát từ cơ chế quản lý. Lý giải về tình trạng này, giám đốc một đơn vị thu gom, xử lý rác thải cho biết, hiện nay, việc thu gom rác phế thải được thực hiện theo kiểu khoán khối lượng. Do đó, khi có lượng rác phát sinh, sẽ phải làm tờ trình, văn bản, báo cáo các đơn vị có liên quan chờ phê duyệt thì mới có kinh phí để tổ chức thu gom. Tuy nhiên, thời gian chờ các đơn vị chức năng xem xét, phê duyệt không hề ngắn. Chưa dừng ở đó, hiện nay, việc giải ngân, chi trả số tiền thu gom rác phát sinh ngoài khối lượng được khoán rất chậm khiến các đơn vị thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả thu gom rác thải, tránh tình trạng rác thải tồn đọng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại cách thức quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các đơn vị thu gom, xử lý rác thải phát sinh. Đồng thời, rà soát, tổ chức đấu thầu lại để loại bỏ đơn vị thu gom rác thải kém năng lực, nhằm bảo đảm việc thu gom rác diễn ra thường xuyên, liên tục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần