Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc: Quan hệ liên Triều trở lại thời kỳ băng giá

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực “tan băng” giữa hai miền Triều Tiên trong 2 năm qua đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Seoul.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết, ngày 9/6 Triều Tiên đã không trả lời các cuộc điện thoại từ phía Hàn Quốc qua các đường dây nóng quân sự liên Triều. Ông Choi Hyun-soo khẳng định đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng không phản hồi cuộc gọi kể từ khi các đường dây nóng được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khôi phục vào năm 2018.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh các đường dây liên lạc giữa hai miền Triều Tiên là phương tiện trao đổi cơ bản và nên được duy trì theo đúng các thỏa thuận giữa hai nước.
Đằng sau việc cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc, ông Kim Jong-un dường như muốn gia tăng sức ép đối với Tổng thống Moon Jae-in để thuyết phục Washington nhượng bộ trong vấn đề hỗ trợ kinh tế.
Đây là động thái mới nhất của Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ hai miền căng thẳng liên quan tới việc các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. Trước đó hôm 4/6, bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un, đã lên án hoạt động rải truyền đơn qua biên giới là hành động thù địch đi ngược lại với những thỏa thuận hòa bình liên Triều, được ký kết trong các cuộc đàm phán thượng đỉnh hồi năm 2018.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Chính phủ Mỹ bày tỏ sự thất vọng vì việc Triều Tiên quyết định cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng khôi phục hợp tác với nước láng giềng.
“Mỹ luôn ủng hộ các tiến triển trong quan hệ liên Triều. Chúng tôi rất thất vọng với các động thái gần đây của Bình Nhưỡng. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay trở lại với ngoại giao và hợp tác" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Trong thời gian qua, quan hệ liên Triều đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington rơi vào bế tắc, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Tín hiệu mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng đang áp dụng lập trường đối đầu hơn với Seoul sau hơn 2 năm thất bại trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo giới chuyên gia, quyết định trên của Bình Nhưỡng ẩn chứa nhiều động cơ và toan tính. Trước mắt, Triều Tiên muốn chấm dứt hành động thả tờ rơi và chế ngự Hàn Quốc.
Về lâu dài, họ muốn Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Ông Duyeon Kim - cố vấn cấp cao về chính sách Hạt nhân và khu vực Đông Bắc Á của tổ chức International Crisis Group cho rằng, quyết định của Bình Nhưỡng nhiều khả năng được thôi thúc bởi lập luận họ không còn gì để mất trong quan hệ liên Triều. Đồng thời, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn gia tăng sức ép đối với Tổng thống Moon Jae-in để thuyết phục Washington nhượng bộ trong vấn đề hỗ trợ kinh tế và nới lỏng trừng phạt.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng, trong thời gian tới, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiến hành các động thái khiêu khích quân sự và điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh các kênh liên lạc quân sự liên Triều đã bị chấm dứt. Woo Won-shik - nghị sĩ Hàn Quốc và là cựu lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng, việc cấp thiết nhất hiện nay là phải phục hồi quan hệ hợp tác liên Triều càng sớm càng tốt.