Chậm nhất cho tới lần thử nghiệm hạt nhân này của CHDCND Triều Tiên, cuộc tranh luận công khai và suy tính bí mật ở Nhật Bản và Hàn Quốc về tái vũ trang hạt nhân đã trở thành chuyện lớn và đương nhiên ở 2 nước này.
Khi xưa, ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều có vũ khí hạt nhân của Mỹ. Hai nước này không phải là quốc gia có vũ khí hạt nhân riêng. Nhưng rồi vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được rút đi từ cách đây khá lâu. Từ thời điểm cảm nhận thấy mối đe dọa an ninh từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đối sách của Hàn Quốc, Nhật Bản là dựa cậy vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ như ở thời còn Chiến tranh Lạnh. Đồng thời tăng cường gắn bó với Mỹ trong mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược, tăng cường vũ trang và tìm kiếm áp lực quốc tế để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với một số nước khác để nhằm tới giải pháp chính trị hòa bình cho toàn bộ vấn đề của CHDCND Triều Tiên. Hai nước này tăng chi phí quốc phòng trong khuôn khổ ngân sách hàng năm và nhận viện trợ quân sự của Mỹ. Họ cùng với Mỹ thường xuyên tiến hành tập trận chung, phô trương tiềm lực, khuếch trương thanh thế để răn đe và cảnh báo CHDCND Triều Tiên. Mới đây nhất, Mỹ và Hàn Quốc thỏa thuận triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bước đi này đã làm thay đổi về chất tương quan lực lượng quân sự ở cả khu vực Đông Bắc Á chứ không chỉ có trong cuộc đối địch giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bây giờ có nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang nói chung và cả về vũ khí hạt nhân nói riêng ở khu vực này. Một khi CHDCND Triều Tiên tiến xa hơn nữa trên con đường tiến tới có vũ khí hạt nhân thì cuộc chạy đua về vũ khí hạt nhân ở nơi đây không còn có thể tránh khỏi và không chỉ có Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn đến cả Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi ấy, hiểm họa xung đột sẽ rất lớn và có thể sẽ vô cùng tai hại. Răn đe hạt nhân, như ở thời chiến tranh lạnh, trở thành định hướng chiến lược và sự đảm bảo cho cân bằng chiến lược ở khu vực. Mỹ, Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ phải làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn cản CHDCND Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân và Hàn Quốc hay Nhật Bản hoặc cả hai nước lại có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ. Hiện tại, 3 đối tác này chưa thật sự cùng hội cùng thuyền với nhau vì còn dền dứ lợi ích với nhau và cho rằng chưa đến lúc, chưa đến mức bị đẩy vào tình thế buộc phải đồng sức chung lòng với nhau. Nhưng nếu CHDCND Triều Tiên cứ tiếp tục như lâu nay thì thời điểm ấy không còn lâu nữa.