Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ lực cho phim hoạt hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh phim hoạt hình Việt Nam thiếu nguồn đầu tư, không có đầu ra…, giới chuyên môn cho rằng, việc ra mắt Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình và Viện Thiết kế đồ họa ứng dụng Việt Nam sẽ là "trợ thủ" đắc lực giúp thể loại phim dành cho thiếu nhi nước ta phát triển trong thời gian tới.

Thiếu đủ thứ

Kể từ ngày rạp chiếu phim Thánh Gióng (số 7 Trần Phú, Hà Nội) đi vào hoạt động (9/1), thì thứ Bảy, Chủ nhật nào nơi đây cũng tấp nập trẻ nhỏ đến thưởng thức những bộ phim hoạt hình thuần Việt - những bộ phim lâu nay "xếp kho", ít có cơ hội trình diện trước công chúng. Tuy nhiên, chỉ có một rạp chiếu phim ở một địa điểm cố định như vậy, không đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu thiếu nhi cả nước. Vậy nhưng, dù các nhà làm phim luôn nỗ lực để ký hợp đồng bán phim cho các "nhà đài", kiếm "đất" ngoài rạp chiếu, hay in đĩa để bán, việc phát hành vẫn… dậm chân tại chỗ. Thậm chí, Bộ VHTT&DL đã làm việc với VTV về việc quảng bá phim hoạt hình trên sóng nhà đài, nhưng bị từ chối. 
Phim “Bò vàng” đã nhận giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, tháng 10/2013.
Phim “Bò vàng” đã nhận giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, tháng 10/2013.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là vì chất lượng, số lượng, thời lượng phim hoạt hình của Việt Nam không đảm bảo để chiếu rạp cũng như trên truyền hình. Đầu tháng 7/2014, tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên tại Sain Malo (Pháp), hoạt hình Việt đã góp mặt với các phim "Bò vàng", "Có một khu rừng", "Đôi cánh"… được làm công phu và rất có nghề. Tuy nhiên, thời lượng phim quá ngắn nên không thể phát hành ngoài rạp. Theo nhận định của giới chuyên môn, hầu hết phim hoạt hình của Việt Nam nặng về mô tả lại lịch sử,  thiếu tình tiết; cách tạo hình nhân vật còn khô cứng theo kiểu robot; kỹ xảo 3D vẫn non tay. Còn những người có nghề, nhất là các họa sĩ thì phải làm thuê cho các hãng hoạt hình ở Hollywood hoặc nước ngoài. Đặc biệt, điện ảnh Việt thiếu hẳn một đường hướng phát triển phim hoạt hình, truyện tranh, thế nên, dòng phim cho trẻ nhỏ gần như bị chìm trong lãng quên. Chính bởi vậy, người trong giới làm phim rất phấn khởi khi biết tin Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình và Viện Thiết kế đồ họa ứng dụng Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo mỹ thuật Việt Nam) ra đời. 

3 năm để tìm ra lời giải?

Trước tương lai mù mịt của dòng phim dành cho thiếu nhi, hai đơn vị trên ra đời nhằm nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy công nghiệp truyện tranh, phim hoạt hình, giải trí kỹ thuật số. Mục tiêu đầu tiên của Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình là tìm ra đường hướng, chiến lược phát triển cho truyện tranh, hoạt hình của Việt Nam, từ đó tiến tới đào tạo nhân lực. "Thực tế, chúng ta có ngân sách cho hoạt hình, truyện tranh nhưng cách làm chưa phù hợp. Với chính sách mở của Nhà nước, chúng ta có thể xây dựng những dự án phù hợp để bán cho Nhà nước, nếu không được thì tìm chủ đầu tư khác. Theo tôi biết, rất nhiều nhà xuất bản quan tâm đến những lĩnh vực này" - bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Viện trưởng Viện Truyện tranh và Phim hoạt hình Việt Nam cho biết. 

Còn về truyện tranh, đây là ngành công nghiệp văn hóa mang lại nguồn lợi nhuận kếch xù cho nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản với các nhân vật chuột Mickey hay Doraemon… Còn ở Việt Nam, nhiều họa sĩ, nhóm họa sĩ vẽ giỏi được nước ngoài thuê. Mặt khác, do khâu sáng tạo thuộc về phần mềm, kỹ xảo đơn vị sản xuất trực tiếp làm, nên họa sĩ của ta chỉ làm công ăn lương chứ không được ghi danh ở sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, không ít người yêu hội họa, xuất bản trong nước luôn tìm tòi, sáng tạo nhưng chưa đủ tạo ra những thay đổi lớn cho hoạt hình nước nhà. Bà Hạnh chia sẻ: "Cần ít nhất 3 năm cho việc nghiên cứu, tìm kiếm đường hướng, chiến lược phát triển hoạt hình, truyện tranh, song song với đào tạo nguồn nhân lực". 

Chưa thể khẳng định trong 3 năm, hai đơn vị này có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không. Nhưng, sự ra đời của 2 đơn vị chắc chắn sẽ là "trợ thủ" đắc lực giúp thể loại phim dành cho thiếu nhi nước ta phát triển hơn trong thời gian tới.