KTĐT - Vì một phút không làm chủ được bản thân, Ngọc nghe theo lời xúi giục của đám bạn hư hỏng, tham gia giết người rồi phải mang cái án tử hình.
Không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, ông ngoại là liệt sỹ, bản thân là bộ đội mới xuất ngũ năm 2008, tưởng như tương lai đang rộng mở cho Nguyễn Bảo Ngọc trú tại xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với gia đình, nhưng chỉ vì rượu, vì một phút không làm chủ được bản thân đã nghe theo lời xúi giục của đám bạn hư hỏng, tham gia giết người rồi phải mang cái án tử hình.
Ngày 28/1, TAND tỉnh Kon Tum mở phiên xử lưu động vụ án giết người, do bốn bị cáo còn rất trẻ, gồm Nguyễn Bảo Ngọc; Trần Thanh Tùng; Mai Anh Dũng và Bùi Hữu Nghĩa, gây ra vào ngày 16/12/2009 trên địa bàn thành phố Kon Tum dẫn đến cái chết oan nghiệt của em Đặng Văn Hồng mới 18 tuổi.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Kon Tum: tối 16/12/2009, trước khi tham gia giết anh Đặng Văn Hồng, Nguyễn Bảo Ngọc đang ở tại xã Đăk Cấm uống rượu cùng với ba người bạn uống hết ba lít rượu. Sau khi nghe Trần Thanh Tùng điện thoại báo có người em kết nghĩa tên là Tý (Vỹ) đến ném đá vào nhà Tùng, yêu cầu Ngọc ra giải quyết. Có chút hơi men trong người, Ngọc bỏ dỡ cuộc nhậu với mấy người bạn tại xã, lấy xe máy ra ngay thành phố Kon Tum để gặp Tùng.
Trên đường đi, Ngọc bị ngã xe, nhưng vẫn cố đi để gặp Tùng và bước ngoặt cuộc đời của Ngọc bắt đầu từ đây. Gặp Tùng, thay vì hỏi rõ nguyên nhân vấn đề để cùng giải quyết, Ngọc mù quáng chấp nhận đề nghị của Tùng, Nghĩa, Dũng sử dụng hung khí để đến nhà Vỹ hỏi chuyện. Không gặp được Vỹ, người liên quan trực tiếp đến vụ ném đá vào nhà Tùng để hỏi chuyện, nên khi thấy anh Đặng Văn Hồng đi trên đường, cả bọn Tùng, Ngọc Nghĩa, Dũng đã cùng nhau sử dụng hung khí đánh đập dã man anh Hồng rồi tước đi mạng sống của người không liên quan này.
Kết thúc phiên xử, Nguyễn Bảo Ngọc bị tuyên án tử hình; Trần Thanh Tùng: 17 năm tù giam; Mai Anh Dũng, 16 năm tù giam; Bùi Hữu Nghĩa, 16 năm tù giam.
Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của Nguyễn Bảo Ngọc và những lời nói cuối cùng trước khi tòa tuyên án: “Nếu Tòa cho bị cáo cơ hội sống, bị cáo sẽ nguyện suốt đời phụng dưỡng cha mẹ của anh Hồng để bù đắp những đau thương, mất mát của gia đình do bị cáo gây ra” và sẽ trở thành một công dân có ích cho gia đình, xã hội. Lời nói cuối cùng của Ngọc vẫn không thay đổi được khung hình phạt, nhưng nó đã làm cho nhiều người chứng kiến phiên tòa mặc dù trước đó rất căm phẫn, nhưng cũng phải rung động, chạnh lòng và hối tiếc cho một công dân.
Phiên tòa khép lại, với các mức án nghiêm khắc dành cho những kẻ coi thường mạng sống của con người, coi thường pháp luật. Nhưng dư luận thầm tiếc cho những kẻ phạm tội này, khi tuổi đời còn rất trẻ, có tương lai tươi sáng phía trước. Giá như Ngọc không uống rượu, sự việc có lẽ đã khác đi, gia đình anh Hồng không phải đau thương tang tóc khi mất đi một người con và gia đình Ngọc cũng không mất đi một người con; giá như các gia đình của Tùng, Nghĩa, Dũng quan tâm hơn đến con cái, quản lý, giáo dục cẩn thận thì đâu có sự đau thương này.