Ông nhìn nhận thế nào về việc trọng dụng nhân tài ở nước ta?
- Công tác đào tạo và tuyển chọn nhân tài luôn được Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay. Đại hội Đảng lần thứ XI xác định đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 nhiệm vụ để đến năm 2020, Việt Nam có nguồn nhân lực tốt thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số người xin thôi công việc ở các cơ quan Nhà nước để ra làm bên ngoài. Tôi nhìn nhận việc này ở 2 góc độ. Thứ nhất, giới trẻ cho rằng chuyển ra ngoài làm việc là bình thường khi thấy công việc cũ không phù hợp. Thứ hai, họ muốn làm việc bên ngoài để kiểm tra trình độ đào tạo của mình có khả năng hành nghề ở môi trường tự do hay không.
Mới đây, TP Đà Nẵng khởi kiện một số nhân tài đi học ở nước ngoài vì bội tín, một vài nơi người giỏi phản ứng lãnh đạo bố trí công việc không hợp lý. Quan điểm của ông về việc này?
- Tôi cho rằng, những người trở về thấy công việc không phù hợp với trình độ và kiến thức của mình nên muốn ra ngoài làm việc. Nếu họ làm đúng theo khuôn khổ của pháp luật và quy định của Nhà nước thì nên khuyến khích họ khởi nghiệp, tạo công việc cho mình và cho người khác. Còn một số người đang làm việc nhưng lại muốn bỏ ra ngoài, các cơ quan quản lý nhân lực phải tìm hiểu xem vì chế độ đãi ngộ, lương, môi trường làm việc chưa đáp ứng hay vì động cơ nào khác. Theo tôi, đa số lớp trẻ vẫn muốn làm việc trong các cơ quan Nhà nước, mặc dù hệ thống hành chính đang hạn chế về lương và các chế độ. Nhưng qua đây, các em muốn được tu dưỡng, rèn luyện, học thêm.
Có nhiều người sau khi đi học ở nước ngoài từ nguồn kinh phí của Nhà nước, không trở về hoặc về nhưng bỏ việc giữa chừng. Cần có giải pháp gì để những người này tự nguyện gắn bó với công việc theo sự phân công?
- Về nguyên tắc, những người đi học ở nước ngoài theo chế độ của Nhà nước thì phải tuân thủ thực hiện các quy định; có nghĩa những người đó sau khi tốt nghiệp phải về làm việc cho đất nước. Như tôi đã nói đến lý do các em bỏ ra ngoài, nhưng còn nguyên nhân nữa, đó là nhiều em nghĩ việc làm được bố trí chưa xứng với trình độ đào tạo. Và nhiều địa phương có chính sách thu hút trọng dụng nhân tài chưa tốt, trong khi lớp trẻ có suy nghĩ tương đối thực tế so với ngày xưa. Các em chọn ngành học luôn chú ý đến thu nhập cao, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc tốt và được tiếp cận với các trình độ mới. Vì thế, khi giải quyết tốt những vấn đề này đồng nghĩa với các em sẽ ở lại cơ quan Nhà nước làm việc.
Nhiều trường đại học rất muốn trả lương cao cho những người đi học ở nước ngoài về làm việc. Nhưng làm như thế lại không công bằng cho những người có cùng trình độ đang công tác tại trường?
- Chúng ta không thể nói rằng những người học ở nước ngoài giỏi hơn người ở trong nước. Và cũng không nên nói rằng người làm việc trong nước kém hơn người làm việc ở nước ngoài. Chúng ta cần xem xét quá trình làm việc của từng người. Nói thật, tôi cũng là người đi học ở nước ngoài về, khi về nước vẫn phải có thời gian học tập kinh nghiệm, tích lũy kiến thức... Các trường đại học của chúng ta không thể sánh với trường nước ngoài về điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Cho nên, các em cứ vận dụng công nghệ, quy trình nước ngoài áp dụng vào trong nước là không phù hợp. Các em không nên cho rằng đây là lý do chán công việc, mà cần phải có quá trình tiếp cận, hòa nhập và quan trọng nhất là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Mỗi người học ở nước ngoài hay trong nước đều phải xác định đất nước ta đang chuyển biến đi lên. Giai đoạn này có những cái không đồng bộ, kể cả về cơ chế, chính sách, môi trường làm việc, nhất là lương. Mình không thể vì một lý do nào đó cho rằng nơi làm việc không phù hợp thì từ chối. Các bạn ấy cần nhớ, Nhà nước đã đầu tư cho các bạn đi học thì phải trở về làm việc cho đất nước.
Vậy, theo ông, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài cần có sự điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với thực tiễn?
- Trọng dụng nhân tài là chủ trương đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chưa đồng bộ ở khâu này, khâu kia. Chúng ta cần nghiên cứu và học tập rút kinh nghiệm ở nước ngoài coi nhân lực là một yếu tố quyết định sự thành công của DN. Vì thế, nhân tài được ưu đãi về lương, chế độ, cơ hội thăng tiến. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, họ luôn tôn trọng các cá nhân phát triển. Có như thế, người lao động mới coi DN là nhà để có thái độ tận tâm làm việc và cống hiến.
Xin cảm ơn ông!