Đây là bài toán hóc búa, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp đối với TP, song vẫn chưa tìm ra lời giải hữu hiệu.
|
Một bãi trông giữ xe trên khu đất dự án tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng |
Đơn cử như lô đất X2, nằm trong Dự án Khách sạn 5 sao và Nhà hát Thăng Long, thuộc địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Do dự án chưa triển khai, chủ đầu tư đã cho tổ chức trông giữ xe trái phép và xây dựng một số nhà xưởng khung thép mái tôn trên phạm vi khu đất. Vi phạm đã được dư luận phản ánh nhiều tháng qua, lực lượng liên ngành Thanh tra GTVT - CSTT quận cũng đã xử phạt hành chính ở mức cao nhất, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thậm chí, ngày 21/12 vừa qua, liên ngành vừa lập biên bản phạt, thì ngày 22/12, trước cửa bãi lại điềm nhiên treo biển: Trông giữ xe 24/24 giờ. Trao đổi về trường hợp này, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Hứa Đức Minh cho biết, lô đất X2 đã có dự án, nhưng 10 năm nay không triển khai được. Trong thời gian đó liên tục phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng cũng như trông giữ phương tiện.
Hay như trường hợp bãi trông giữ xe, kết hợp đón trả khách trái phép tại số 52 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình I. Do đây vẫn còn là đất nông nghiệp, nhưng không canh tác nên người sử dụng tự ý biến thành nơi trông xe thu tiền. Đặc biệt, trong quá trình xử phạt, lực lượng Thanh tra GTVT Nam Từ Liêm đã 3 lần chôn bục bê tông (nặng 2 tấn) chặn lối ra vào bãi, nhưng 2 lần đều bị “ai đó” tự ý di chuyển để ô tô có thể tiếp tục ra vào.
Không chỉ Nam Từ Liêm mà nhiều quận khác như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… cũng diễn ra những vi phạm tương tự, gây mất trật tự đô thị kéo dài.
Chồng chéo trách nhiệm và thẩm quyềnÔng Hứa Đức Minh cho rằng, nhu cầu đỗ gửi xe của người dân ngày càng cao, nhưng khả năng đáp ứng của địa phương lại có hạn. Mặt khác, nhiều khu vực đất vẫn thuộc sở hữu của người dân, hoặc đã bàn giao cho chủ đầu tư dự án tự quản lý. “Phường không đủ lực lượng để cắt cử trông coi, theo dõi nên cứ xử lý xong lại bị tái lấn chiếm, sử dụng sai mục đích” - ông Minh lý giải.
Vị lãnh đạo UBND phường Mễ Trì cũng cho rằng, việc quản lý đất đai là của chính quyền địa phương nhưng các phương tiện đỗ gửi trong đó lại là của lực lượng Thanh tra GTVT và CSTT. Còn Đại diện Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm lý giải, ngay khi phát hiện hoặc tiếp nhận phản ánh về vi phạm trông giữ xe trái phép, lực lượng đều xử lý nghiêm, phạt “kịch” khung. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận: “Vi phạm vẫn tái diễn là do thiếu biện pháp ngăn ngừa hiệu quả”.
Đề xuất cho phép tạm thời cấp phép trông giữ xe trên các khu đất dự án rất đáng quan tâm,nhưng cũng cần cân nhắc kỹ càng; thậm chí nếu cho thực hiện còn cần phải có những quy định riêng cụ thể mới quản lý được. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng |
Chuyên gia giao thông Đinh Quốc Thái cho rằng: “Nói là đá bóng trách nhiệm thì hơi khiên cưỡng, nhưng chắc chắn là ở đây có sự chồng chéo cả về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng”. Ông Thái lý giải, UBND phường quản lý đất đai, tức là phải đảm bảo đất được sử dụng đúng mục đích, không bị biến tướng. Còn Thanh tra GTVT, CSTT phải đảm bảo không trông giữ phương tiện trái phép trên đất. Nhưng muốn vào một lô đất có chủ sở hữu để kiểm tra hay đem bục bệ, barie ra chặn cổng thì lực lượng chuyên ngành như Thanh tra GTVT, CSTT lại không có thẩm quyền. “Họ chỉ có thể làm được việc đó khi có sự yêu cầu từ phía chính quyền” - ông Thái nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, các biện pháp xử lý và ngăn ngừa vi phạm hiện nay chưa linh hoạt và đủ quyết liệt, nên chưa đem lại hiệu quả thực tế. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng lấy ví dụ: “Bãi trông giữ xe tại số 52 Phạm Hùng đã 2 lần bị di dời bục bê tông nặng đến 2 tấn mà cơ quan công an không tìm được ai thực hiện hành vi đó. Hay như bãi X2 (Mễ Trì), hôm trước phạt tiền nhưng không có thêm biện pháp đặt bục bệ, barie hay đào hào ngăn cách, nên ngay hôm sau lại tiếp tục trông giữ xe”. Nếu cứ tiếp tục xử lý theo kiểu “đuổi bắt” như thế này sẽ không bao giờ chấm dứt được vi phạm trông giữ xe trái phép trên các lô đất nằm chờ giữa trung tâm TP, nơi mà nhu cầu đỗ gửi phương tiện đang tăng cao từng ngày.
Tăng quyền xử lý cho lực lượng chức năngCần nhìn nhận một cách thẳng thắn, hiện nay, khu vực trung tâm Hà Nội đang thiếu điểm trông giữ xe một cách trầm trọng. Cùng với đó, nhiều dự án chậm triển khai, đất để hoang hóa quá lâu, dẫn đến vi phạm trông giữ xe trên đất dự án diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Ông Hứa Đức Minh đề xuất: “TP nên xem xét cho phép tạm thời cấp phép trông giữ xe trên các khu đất dự án nhằm giải quyết nhu cầu thực tế của người dân và cũng để quản lý tốt hơn”.
Nhiều địa phương cũng có kiến nghị tương tự lên TP, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để làm được không dễ. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, cấp phép cho tổ chức trông giữ xe trên đất dự án thì cấp phép cho ai? Chủ đầu tư, chủ sở hữu đất hay cho cá nhân, tổ chức nào? Nếu chẳng may xảy ra rủi ro như cháy nổ; biến tướng thành xe “dù” bến “cóc”, gây mất trật tự, an ninh xã hội thì ai sẽ chịu trách nhiệm (?).
Ông Đinh Quốc Thái bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế phối hợp và các biện pháp xử lý vi phạm trông giữ xe trái phép trên đất nằm chờ. Theo ông Thái, để tránh tình trạng “chờ đợi nhau”, TP có thể xem xét, tăng thêm thẩm quyền và trách nhiệm cho lực lượng thực thi công vụ. “Đơn cử như lực lượng Thanh tra GTVT, khi phát hiện một bãi trông giữ xe trái phép, ngoài hình thức xử phạt hành chính, họ sẽ được áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn như đặt bục bệ, barie, đào hào ngăn cách bãi với đường giao thông bên ngoài. Như thế chỉ xử lý một lần là dứt điểm, đỡ vất vả cho cả Thanh tra GTVT lẫn chính quyền địa phương”.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khi phát hiện, xử phạt vi phạm là áp dụng biện pháp cứng ngăn chặn luôn để tránh tái diễn về sau. Hơn nữa, khi đã trao thẩm quyền cụ thể cũng đồng thời làm rõ luôn trách nhiệm nếu để vi phạm tái diễn. Mặt khác, không chỉ xử phạt người trông giữ, lực lượng chức năng cũng cần xử phạt luôn cả chủ phương tiện do đỗ, gửi xe tại nơi không được phép.