Thiếu hạ tầng xã hộiAnh Nguyễn Hữu Phương có căn hộ nhà chung cư tại lô 37, khu C đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thì chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng nhưng đến thời điểm hiện tại xung quanh dự án ngoài phần hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước... thì đa phần các hạ tầng xã hội khác như khuôn viên cây xanh, vui chơi, trường mầm non... chưa được chủ đầu tư xây dựng.
Thực ra, thiếu hạ tầng xã hội nhưng đã buộc cư dân nhận nhà về sinh sống tại các KĐT không phải là vấn đề mới. Tình trạng chủ đầu tư không thực hiện xây dựng hạ tầng xã hội trong khi hạ tầng kỹ thuật chậm triển khai, bàn giao cho chính quyền quản lý theo phân cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý, sửa chữa và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại một số KĐT mới hiện vẫn còn nan giải.
Nhiều dự án khi được phê duyệt đầu tư thì chủ đầu tư nhanh chóng triển khai phần diện tích được phép kinh doanh để bán lấy lời, hạ tầng kỹ thuật thì triển khai chậm, hạ tầng xã hội thì không triển khai, người dân không thể đến ở, dẫn đến trình trạng các KĐT bỏ hoang, khu “đô thị ma” ngày càng nhiều, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách của Nhà nước.Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Hiệp hội BĐS Việt Nam |
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội từ năm 2016 đến hết quý I/2019 cho thấy, trong số 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội, 11 dự án nhà tái định cư có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng thì nhiều dự án KĐT mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở. Điển hình về tình trạng thiếu hạ tầng là tại các KĐT như Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai), Nam Trung Yên (Cầu Giấy), KĐT Lê Trọng Tấn (Hoài Đức), Khu chức năng đô thị Ao Sào (Hoàng Mai)… Trước đó, trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2018, trên địa bàn TP có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai nhưng có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, đa phần các chủ đầu tư chỉ chú tâm vào xây dựng nhà để bán, mà “bỏ quên” việc xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ đời sống của người dân. “Vì lợi nhuận nên nhiều chủ đầu tư đã cắt xén diện tích đất được quy hoạch làm hạ tầng xã hội để mở rộng thêm diện tích xây dựng chung cư hay xây xen thêm những căn nhà liền kề để bán. Trong khi đó các hạ tầng xã hội như cây xanh, khuôn viên vui chơi, trường học... không được quan tâm hoặc chỉ dành một diện tích rất khiêm tốn đất dự án để làm, dẫn đến việc một số KĐT mới thiếu trầm trọng hạ tầng xã hội như hiện nay” - KTS Trần Huy Ánh nói.
Có cơ chế ràng buộc chủ đầu tưTrên thực tế, nhiều KĐT mới không chỉ thiếu hạ tầng xã hội mà chủ đầu tư còn chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc chưa thực hiện khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, dẫn đến việc hư hỏng, ngập lụt... khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra. Điển hình trong cơn bão số 3 vừa qua, mưa lớn làm nhiều KĐT mới của Hà Nội chìm trong nước, có nơi nước ngập sâu đến hàng mét như KĐT Lê Trọng Tấn (Hoài Đức), KĐT Thiên đường Bảo Sơn, KĐT Nam An Khánh...
KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc ràng buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm đối với việc xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh, khi cấp quyết định phê duyệt quy hoạch và quyết định phê duyệt đầu tư. Vì vậy, chính quyền phải có những chế tài để siết chặt những cam kết và ràng buộc chủ đầu tư về vấn đề này. “Đối với các dự án phê duyệt đầu tư mới, chính quyền phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết về diện tích đất cho hạ tầng xã hội và phải xây đúng, xây đủ thì mới phê duyệt quy hoạch, phê duyệt đầu tư. Đối với các dự án đã được chính quyền phê duyệt đầu tư mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện xây dựng hạ tầng xã hội thì hoàn toàn có thể xem xét, thu hồi lại diện tích đất quy hoạch cho hạ tầng xã hội để giao cho một đơn vị khác” - ông Thanh nói.