Trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ (1964 - 1972). Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, Nhân dân miền Bắc đã phải gánh chịu bao mất mát, đau thương.
|
Nhân chứng lịch sử và khách mời thực hiện nghi lễ dâng hương. Ảnh: Lại Tấn. |
Vào những thời điểm khắc nghiệt nhất, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam lại tỏa sáng. Dù phải đối đầu với những loại vũ khí hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, thế trận chiến tranh Nhân dân của Việt Nam một lần nữa chiến thắng, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972.
Trưng bày được giới thiệu qua 2 phần: “Giữ vững biển trời” và “Nối hai bờ đại dương”. Nội dung đầu tiên “Giữ vững biển trời” kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của Nhân dân miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Bằng sức mạnh của cuộc chiến tranh Nhân dân, quân và dân miền Bắc đã kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại điên cuồng của địch.
|
Những hình ảnh, tư liệu được giới thiệu tại không gian trưng bày. Ảnh: Lại Tấn. |
Phần nội dung thứ 2, “Nối hai bờ đại dương” giới thiệu về những nỗ lực của chính phủ và Nhân dân hai nước đã chung tay, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau còn dai dẳng suốt hơn 45 năm qua. Trong hành trình đặc biệt ấy, có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.
|
Hiện vật được giới thiệu tại không gian trưng bày. Ảnh: Lại Tấn. |
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn giới thiệu đến công chúng những tài liệu, hiện vật gợi nhớ đến ký ức trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Đồng thời, hiện vật liên quan đến các phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Nhà lao Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng như: Huy hiệu Bác Hồ, phi công Nguyễn Văn Cốc được trao tặng khi bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967. Ông là phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất (9 máy bay) và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi 27 tuổi.
|
Công chúng thăm quan không gian trưng bày. Ảnh: Lại Tấn. |
Sổ ghi chép các cuộc phỏng vấn của nhà báo nước ngoài với phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò năm 1967 của nhà báo Nguyễn Xuân Mai. Áo kaki, máy đo huyết áp, ống nghe, ông Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng để khám bệnh cho người dân và các nạn nhân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội, năm 1972. Sách “Darkness at noon”, 8 phi công Mỹ gửi tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò trước khi được trao trả, năm 1973.