Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Đông - Bắc Phi vẫn bất ổn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay trước thềm Tháng lễ ăn chay Ramadan sẽ diễn ra vào ngày 9/7, thế giới Hồi giáo vẫn đang phải trải qua những biến cố mang tính bước ngoặt như tình hình chính trị nóng bỏng tại Ai Cập, bất ổn kéo dài tại Syria…

Tại Ai Cập, bất chấp việc cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei đã được chọn làm Thủ tướng lâm thời, diễn biến tại quốc gia Bắc Phi này vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều người cho rằng, trọng trách khôi phục hòa bình, an ninh và ổn định lại tình hình đất nước được đặt lên vai chính trị gia 71 tuổi ElBaradei là quá nặng nề. Trên khắp các đường phố của Ai Cập, những cuộc đụng độ giữa các phe phái tiếp tục diễn ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguy cơ về một cuộc nội chiến cũng dần hình thành khi một nhóm phiến quân sáng 7/7 đã đánh bom hệ thống đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho Jordan tại tỉnh Bắc Sinai. Trước đó hôm 5/7, ít nhất 5 binh sỹ đã thiệt mạng ở Bắc Sinai trong các cuộc tấn công vũ trang của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Về kinh tế, Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng không đủ tiền trả nợ và đáp ứng nhu cầu thanh toán trong và ngoài nước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu từ du lịch của đất nước Kim tự tháp đã giảm từ 46 tỷ USD năm 2010 xuống còn 13 tỷ USD trong năm 2012. Hiện, Ai Cập đã bị hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa hạ xếp hạng phát hành trái phiếu dài hạn bằng ngoại tệ của Ai Cập xuống B- do lo ngại những bất ổn chính trị tại đây sẽ đe dọa việc thực hiện các cải cách tài khóa cần thiết.

Trong khi đó, theo thông tin được các phương tiện truyền thông công bố hôm 7/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ quay lại Trung Đông vào tuần này để tiếp tục xúc tiến đàm phán giữa Isarel và Palestine trong bối cảnh tình hình chính trị nóng bỏng tại Ai Cập và căng thẳng gia tăng giữa Isarel và Syria. Ông Kerry kỳ vọng chuyến thăm Trung Đông lần thứ 6 kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3 vừa qua sẽ nối lại các cuộc thương lượng trực tiếp Isarel và Palestine. Tuy nhiên, hiện không rõ khoảng cách giữa hai bên đã thu hẹp đủ để có thể tiến hành đàm phán trực tiếp hay không. Mâu thuẫn lớn nhất giữa Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas là việc ngừng xây dựng mới các khu định cư lớn trong giai đoạn đàm phán. Về vấn đề tù nhân, ông Netanyahu đồng ý thả khoảng 60 tù nhân Palestine sau khi nối lại đàm phán, trong khi ông Abbas muốn thả ngay lập tức tất cả 103 người. Rõ ràng, những bất đồng trong quan điểm của lãnh đạo Isarel và Palestine khiến Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nối lại cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Và tình hình tại thế giới Ả Rập thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ đề làm nóng chính trường toàn cầu.